Cô Nguyễn Thị Tiến (57 tuổi) và chồng - thầy Trần Văn Hùng (58 tuổi), vốn là cựu giáo chức của hai trường tiểu học trên địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam).

Năm 2016, cô Tiến khi đó đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Trần Cao Vân (huyện Thăng Bình), còn con trai học đại học tại TP.HCM.

“Bấy giờ tôi hay làm ngũ cốc gồm đậu đen, đậu đỏ, mè đen, gạo lứt,... đùm lại từng túi nilon gửi vào cho con trai. Bạn bè của con uống thử thấy ngon, thế là đặt tôi làm. Thấy vừa giúp con, vừa giúp các bạn sinh viên, tôi nhận lời làm và gửi xe vào”, cô Tiến kể.

Từ những túi bột ngũ cốc tự làm cho con trai mình, dần dà, vợ chồng cô đã phát triển thành thương hiệu riêng. 

Thầy Hùng cũng nghỉ hưu trước tuổi để phụ vợ

Hai năm sau, cô Tiến xin về hưu trước tuổi theo chính sách của Nhà nước. Thời gian này, cô và chồng bắt đầu chú tâm, nghiêm túc trong việc phát triển sản phẩm ngũ cốc.

“Khi ấy, chồng tôi còn 5 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nhưng gia đình vẫn quyết chọn bột ngũ cốc làm sản phẩm khởi nghiệp”, cô Tiến chia sẻ.

Ông Hùng cho hay, ban đầu ông tham gia hỗ trợ vợ là chính, bởi khởi nghiệp ở độ tuổi ít người làm nên cũng lắm gian truân. Những ngày đầu, vợ chồng ông lúng túng, gặp nhiều khó khăn về cách làm nhãn mác, bao bì và bán hàng.

“Công thức sản xuất đã có, nhưng chúng tôi thực sự lo lắng. Chúng tôi phải nhờ con trai, nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn thiết kế bao bì như nào cho đẹp, đặt tên gì, cách bán hàng, giới thiệu sản phẩm ra sao? Rất nhiều câu hỏi đặt ra, hai vợ chồng già như trang giấy trắng khi khởi nghiệp”, ông Hùng tâm sự.

Một năm sau, với sự hỗ trợ của những người đi trước và con trai, vợ chồng cô Tiến cho ra lò sản phẩm bột ngũ cốc “Cô Một”.

Giải thích cho cái tên độc đáo này, cô Tiến cười và nói: “Ba mẹ tôi có mỗi mình tôi, mọi người cứ hay gọi là Một, thế là tôi dùng tên đó đặt cho sản phẩm của mình”.

Sản phẩm ngũ cốc và trà gừng hòa tan của cô Tiến được nhiều người ưa chuộng.

“Làm ngũ cốc cũng vất vả, phải thực sự có tâm với sản phẩm. Ví như đậu, chúng tôi phải lựa bỏ hạt thúi, hạt hư, rửa thật sạch. Lúc rang cũng cần độ chín vừa phải, đậu còn sống sẽ đau bụng, mà rang quá lâu sẽ cháy và khét”, cô Tiến nói.

Đến nay, cô Tiến đã có xưởng nhỏ làm trà và ngũ cốc, nằm trước ngôi nhà 3 gian của vợ chồng cô chừng 50m. Năm 2020, sản phẩm ngũ cốc của cô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam.

Như được truyền thêm động lực, năm 2021, vợ chồng cô Tiến tiếp tục nghiên cứu cho ra sản phẩm trà gừng hòa tan.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Hùng kể: “Bước đầu không gì dễ dàng, vị gừng không đạt khiến vợ chồng tôi bế tắc trong việc tạo ra thành phẩm hoàn hảo nhất. Những đêm thức trắng, hàng trăm kg gừng bị bỏ đi vì không đạt".

Cuối cùng, sau nhiều công nghiên cứu, vợ chồng cô cũng tìm được công thức để có vị trà gừng hoàn chỉnh.

Sản phẩm ngũ cốc của cô Tiến đạt OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam.

Bột ngũ cốc và trà gừng hoàn thiện, đó là lúc bắt đầu cho "cuộc chiến" thâm nhập thị trường.

Rong ruổi trên các quầy tạp hoá lớn từ Quảng Nam đến TP. Đà Nẵng, cùng với con trai ở TP.HCM, sản phẩm của vợ chồng cô dần được nhiều người biết đến.

Đến nay, mỗi tháng xưởng của cô sản xuất ra khoảng hơn 1.000 hộp ngũ cốc và trà gứng, chủ yếu từ đôi bàn tay của hai vợ chồng, doanh thu về gần 100 triệu đồng.

Mặc dù ở tuổi ngũ tuần nhưng niềm đam mê khởi nghiệp vẫn thôi thúc vợ chồng cựu giáo chức, mong muốn của vợ chồng cô là mở được xưởng lớn hơn, mở rộng sản phẩm ra cả nước.

Cô Tiến kể rằng, bản thân mình và chồng không nghĩ một ngày mình sẽ khởi nghiệp ở độ tuổi ngũ tuần, chỉ suy nghĩ đơn giản nếu về hưu sẽ bắt đầu từ công việc đồng áng, nuôi cá, trồng rau phù hợp với mảnh đất này.

“Nhưng vượt qua quãng thời gian khó khăn, chúng tôi luôn tâm niệm rằng không có gì là không thể. Khởi nghiệp ở tuổi trên 50 hay 20 tuổi, nếu thực sự có tâm, kiên trì ắt quả ngọt sẽ đến”, cô Tiến nói.