- "Tuy không thể tự mang thai nhưng trứng và tinh trùng của hai vợ chồng họ hoàn toàn bình thường. Những phụ nữ này tâm sự nếu không có nghị định cho phép mang thai hộ có lẽ họ không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.”, bác sĩ Châu kể.
Ngày 17/9, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã thông tin cho báo chí về kết quả từ khi kỹ thuật mang thai hộ được triển khai tại bệnh viện...
Theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 do Chính phủ ban hành, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bệnh viện Từ Dũ là 1 trong 3 đơn vị trên toàn quốc được thí điểm thực hiện kỹ thuật trên.
Nghị định có hiệu lực từ tháng 3/2015, nhưng bệnh viện bắt đầu thực hiện từ tháng 7. Trong vòng hơn 2 tháng qua, 18 trường hợp đã đăng ký được thực hiện mang thai hộ, 13 hồ sơ hoàn tất, 8 hồ sơ được duyệt và đưa vào điều trị.
Quá trình kiểm tra tinh trùng để tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong số 8 ca đưa vào điều trị kể trên, 4 trường hợp đã được chuyển phôi. Sau khi chuyển phôi, 2 trường hợp có thai. Như vậy, tỷ lệ thành công là 50%. Tất cả các bệnh nhân dù đậu thai hay chưa đều còn phôi dự trữ, và vẫn có thể tiến hành thụ tinh ống nghiệm lại nhiều lần.
Ths – bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng Khoa hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ đã chia sẻ về 2 trường hợp đầu tiên được thực hiện mang thai hộ thành công.
Trường hợp thứ nhất là cặp vợ chồng hiếm muộn, ngụ tại Khánh Hòa, đã kết hôn 4 năm. Chị vợ sinh năm 1987, bị khiếm khuyết về cơ quan sinh sản (không có cổ tử cung, tử cung không phát triển lớn lên được mà chỉ như của một bé gái).
Người nhận mang thai hộ cho cặp vợ chồng nói trên là chị em con cô con cậu, sinh năm 1982. Hiện người mang thai hộ đã đậu thai được 7 tuần, siêu âm thấy tim thai và xác định là song thai.
Các bình ni tơ lưu giữ phôi. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trường hợp thứ 2 là cặp vợ chồng hiếm muộn ngụ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Người vợ sinh năm 1984, cũng bị dị tật nhi hóa tử cung (tử cung nhỏ không phát triển).
Các bác sĩ đã điều trị kích tử cung tới 6 lần nhưng thất bại, vì thế bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Người nhận mang thai hộ cho cặp vợ chồng nói trên cũng là chị em họ cùng hàng, sinh năm 1988.
Hiện nay người mang thai hộ cho cặp vợ chồng này đã mang thai được hơn 5 tuần, dự kiến trong tuần tới sẽ siêu âm kiểm tra lại để xác định tín hiệu tim thai.
“Khi biết thực hiện mang thai hộ thành công, các cặp vợ chồng hiếm muộn hết sức mừng rỡ. Đối với họ hành trình tìm kiếm đứa con thật gian nan. Tuy không thể tự mang thai nhưng trứng và tinh trùng của hai vợ chồng họ hoàn toàn bình thường. Những phụ nữ này tâm sự nếu không có nghị định cho phép mang thai hộ có lẽ họ không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.”, bác sĩ Châu kể.
Tuy nhiên, cả 2 trường hợp kể trên không phải ca đầu tiên được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại Bệnh viện Từ Dũ. Trường hợp đầu tiên là một nữ Việt kiều bị hội chứng suy thận (bệnh lý nội khoa không thể mang thai), đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhưng thất bại. Dù vậy bệnh nhân này vẫn còn rất nhiều trứng và phôi, có thể làm lại kỹ thuật mang thai hộ vào lần sau.
Thanh Huyền