- Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn 10 năm, đăng ký kết hôn hợp pháp. Trước khi đến với nhau, chúng tôi đều góa bụa và có con riêng, có tài sản riêng. Sau khi kết hôn lần 2, chúng tôi không phát sinh tài sản nào có giá trị.
Bây giờ chúng tôi viết di chúc rằng, sau khi một trong hai người chết đi thì tài sản có giá trị bấy lâu nay của bên nào thì con cháu bên ấy được hưởng, người vợ hoặc chồng còn sống cũng chỉ hưởng số tài sản của chính mình có được từ trước kết hôn đợt 2.
Xin hỏi như vậy có đúng không? Pháp luật có cho phép không, bởi khi kết hôn chúng tôi cũng không làm giấy tờ giao ước gì về tài sản?
Ảnh minh họa |
Bộ luật Dân sự 2015, Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
Nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận về tài sản thì theo quy định Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định về tài sản chung và tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Đối với tài sản có trước khi kết hôn, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu bạn có mong muốn để lại di chúc thì bạn lập di chúc theo quy định. Căn cứ theo Điều 609. Quyền thừa kế - Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
Điều 626. Quyền của người lập di chúc: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, đối với tài sản riêng bạn có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho con, lưu ý thực hiện đúng về hình thức và nội dung di chúc theo quy định pháp luật.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Con có được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn?
Ba mẹ em có 2 ha cà phê tích góp được sau khi cưới tới giờ. Sau khi nghỉ học, hai chị em em cũng phụ giúp bố mẹ để tạo nên số tài sản đó.
Có phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho tài sản sau ly hôn?
Vợ chồng tôi ly hôn, chia đôi tài sản hiện tại bao gồm: 1 mảnh đất 200m2 ở trung tâm thành phố, 2 căn chung cư trị giá 2,3 tỷ/căn
Nghĩa vụ tài sản khi nhận thừa kế
Năm 2017, ba em có bán một căn nhà và đã nhận cọc 100 triệu đồng. Nhưng sau đó, ba em đột ngột qua đời và để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho em.