Mới đây, vụ việc hai người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm che camera đi tiểu ngay trong thang máy chung cư Gelexia Riverside (số 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây phẫn nộ dư luận.

{keywords}
 

Nhiều người chia sẻ, họ không thể tin hình ảnh phản cảm trên lại diễn ra ngay tại Hà Nội. Thậm chí, người gây ra sự việc không phải là con nít mà là người trưởng thành. 2 triệu đồng - mức phạt theo quy chế quản lý tạm thời của khu chung cư này đã được đưa ra đối với chủ nhà, nơi hai người phụ nữ ghé thăm.

Đau đầu chuyện thiếu ý thức ở chung cư

{keywords}
Một người phụ nữ đi vệ sinh ngay tại sảnh thang máy gây bức xúc tại một chung cư khu vực Hà Đông (Hà Nội)

Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc phản cảm, thiếu ý thức như trên xảy ra tại các chung cư ở Hà Nội. Phóng uế bừa bãi, vứt rác không đúng nơi quy định, ném đồ từ trên cao, cho con nhỏ bấm thang máy… không phải là chuyện lạ. Câu chuyện ý thức, khiến nhiều chung cư vẫn đang phải đau đầu giải quyết mà chưa có hồi kết.

{keywords}
Việc đi vệ sinh trong thang máy hay tại các khu vực công cộng ở chung cư không phải chuyện hiếm

Tại khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ em ở một khu chung cư ngoại thành Hà Nội, nhiều em bé độ tuổi từ 2-3 được các bà, các mẹ bế xuống sân vui chơi, nô đùa. Một bé trai, không may đại tiện ra khu vực cầu trượt, người bà chừng 50 tuổi vội vã cởi chiếc quần bé đang mặc, rũ sạch phân bên trong ra ngoài rồi thản nhiên bế thẳng bé về nhà, mặc kệ bãi “chiến trường” ruồi bọ bâu kín.

Chị Minh Vân, cư dân chung cư này ngán ngẩm cho biết, cảnh trẻ em được người lớn “khuyến khích” đi vệ sinh tại các khu vực công cộng, quanh tòa nhà thường xuyên xảy ra. Nhiều bà trông trẻ, các mẹ bế con đi chơi nhưng cứ tiện đâu là để con phóng uế bừa bãi ở đó. Bực bội nhất là nhiều bảo vệ, người dân lên tiếng nhắc nhở thì lại tỏ ý khó chịu thậm chí tuyên bố “trẻ con mà, biết gì đâu”.

Có lần chị Vân thấy một bà mẹ bế con đứng chờ thang máy ở hầm xe, người con trai chừng 4 tuổi muốn đi vệ sinh, người mẹ ngay lập tức kéo con vào góc tường, vạch quần bảo con giải quyết ngay tại đó.

Khi bị nhắc nhở, người phụ nữ tỏ vẻ bực bội, đã đăng bài trong nhóm cư dân, bức xúc cho rằng “cảm thấy tổn thương” vì “chuyện chẳng có gì, ai là trẻ con mà chẳng thế, sao phải nặng lời ý kiến với nhau”.

{keywords}
Một cư dân bức xúc đăng tải lên nhóm thông tin tòa nhà phản ánh về tình trạng vệ sinh bữa bãi tại khu vui chơi chung cư

Anh N.T.H (34 tuổi, cư dân một chung cư ở Hà Đông) cho biết, cách đây 2 tháng cư dân tòa nhà anh cũng được phen náo loạn khi phát hiện một bãi chất lỏng có mùi lạ trong thang máy tòa nhà.

Đăng thông tin lên nhóm cư dân để tìm thủ phạm nhưng không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Đại diện cư dân sau đó đã yêu cầu BQL tòa nhà trích xuất camera để làm rõ sự việc.

“Thủ phạm” sau đó được xác định là một bé trai 3 tuổi, tuy nhiên điều khiến mọi người bức xúc, phẫn nộ là bé được chính bà nội cho đi vệ sinh ngay trong thang máy. “Người bà sau đó lên tiếng lý giải là đang đi về nhà thì cháu buồn tè nên không còn cách giải quyết nào khác”, anh H. kể.

Hai năm sống ở một tòa chung cư trên đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội), chị T.K.H chia sẻ bị “vỡ mộng” với đủ chuyện bực mình. Không chỉ là chuyện đi vệ sinh bừa bãi tại các nơi công cộng, trong thang máy mà bực bội nhất là chuyện ném đồ, xả rác ra môi trường.

Nhiều lần chị H. và gia đình đi dạo bộ quanh tòa nhà, phải tháo chạy bởi các vật thể lạ rơi từ trên cao. Lần thì là bỉm, lần thì là lon nước, thậm chí không ít lần còn là dao, thớt… Chuyện xảy ra thường xuyên đến độ, nhiều cư dân trong tòa nhà phải cảm thán cho rằng nên “đội mũ bảo hiểm để giữ tính mạng”!

“Có gia đình giận dỗi nhau, cũng quăng đồ vô tội vạ ra ban công, rồi bố mẹ quản con không chặt khiến trẻ nghịch ngợm ném đồ linh tinh. Hậu quả không chỉ là chuyện ô nhiễm môi trường mà còn rất nguy hại nếu chẳng may đồ vật rơi trúng người ở dưới”, chị H. nói.

{keywords}
Không chỉ là chuyện đi vệ sinh bừa bãi tại các nơi công cộng, việc xả rác, ném đồ từ trên cao... cũng thường xuyên xảy ra tại các chung cư

Nhiều cư dân chung cư mang theo thói quen cũ ở quê lên phố

Chia sẻ với PV, anh Chu Hưng Giáp, đại diện Ban quản trị chung cư trên đường Lê Trọng Tấn, Hoài Đức (Hà Nội) thừa nhận việc vứt rác bừa bãi, ném đồ từ trên cao, đi vệ sinh không đúng nơi quy định… gần như chung cư nào cũng có. Anh Giáp cho rằng, nguyên nhân một phần do ý thức, một phần do khác biệt lối sống, văn hóa.

Hiện nay, ở nhiều chung cư, không chỉ có gia đình trẻ mà còn có ông bà, các bác giúp việc. Hầu hết họ từ các vùng quê lên, chưa quen nếp sống và chưa hiểu văn hóa nơi công cộng nên còn hành động, ứng xử theo thói quen cũ.

{keywords}
Một cư dân sử dụng bếp than đun nấu gây hỏa hoạn tại một chung cư cao cấp ở Hà Nội

Để hạn chế các hành vi thiếu ý thức, anh Giáp và các thành viên trong Ban quản trị tòa nhà đã phải thực hiện nhiều biện pháp như: nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các nhà lắp lưới an toàn để hạn chế việc ném rác xuống đường. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ công khai số căn hộ trên bảng tin và trang thông tin cư dân.

“Từ khi áp dụng các biện pháp trên, các hành vi thiếu ý thức cũng đã giảm dần nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì rất khó”, anh Giáp nói.

Trong khi đó, một chuyên gia văn hóa lý giải chính việc đô thị hóa nhanh, dẫn đến văn hóa chưa theo kịp đã gây ra các chuyện bi hài, phản cảm tại các khu chung cư thời gian qua.

“Mỗi một khu chung cư có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân. Họ đến từ các vùng quê khác nhau, mang theo cả thói quen sinh hoạt, văn hóa của địa phương. Sự ô hợp đó đã tạo ra nhiều khác biệt, mâu thuẫn khi đặt trong môi trường tập thể.

Để hạn chế được điều này, từng chung cư, tòa nhà phải xây dựng được văn hóa chung, hướng các cá nhân thực hiện theo các quy định, nếp sống này”, chuyên gia này nói.

(Theo Dân trí)