Trong phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử đại án 9.000 tỷ đồng, cựu Tổng Giám đốc VNCB nói bản thân rất sốc khi bắt đầu vào làm việc tại VNCB.

Bắt đầu phiên xét hỏi, chủ tọa mời bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB, SN 1971, Nghệ An) lên trả lời thẩm vấn.

"Bị cáo rất sốc"!

Bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận 2 tội danh mà bản cáo trạng quy kết, chỉ có ý kiến về nội dung liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ đồng của nhóm T.N.B.

{keywords}
Bị cáo Phan Thanh Mai rời tòa sau phiên xử chiều 21/7

Tại tòa, ông Mai khai bản thân từng theo học và làm việc tại CHLB Đức với chuyên ngành kiến trúc và quản trị kinh doanh. Sau đó, ông về nước làm việc tại nhiều doanh nghiệp, từng làm thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Năm 2011, bị cáo quen biết Phạm Công Danh khi Tập đoàn Thiên Thanh hoạt động trong hiệp hội bất động sản. Đầu năm 2012, Phạm Công Danh nhờ bị cáo viết đề án tái cơ cấu Trustbank. Do đây là đề án tái cơ cấu ngân hàng rất phức tạp nên việc viết đề án kéo dài khoảng 1 năm 2 tháng.

Tháng 2/2013, ông về làm việc tại Trustbank (lúc này đã đổi tên thành VNCB) với cương vị Phó Tổng Giám đốc thường trực rồi nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Tòa hỏi bị cáo Mai khi về VNCB có biết thực trạng của ngân hàng này không? Ông Mai trả lời có, ông biết thời điểm đó vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, 6 tháng sau lỗ lũy kế sẽ lên đến 8.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đa số là nợ khó đòi.

Tòa đặt câu hỏi vậy căn cứ vào đâu để bị cáo viết đề án sẽ phục hồi ngân hàng? Trên thực tế Danh lấy tiền ở đâu để có tiền thực hiện đề án? Cựu Tổng giám đốc đưa ra những nội dung trong đề án đã được phê duyệt và cho biết bản thân không tham gia, không nắm về vấn đề tài chính.

"Viết đề án như thế nhưng khi bắt tay làm bị cáo rất sốc. Sốc trước những khoản chi chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Thời điểm ấy, cả ngân hàng luôn trong tình trạng căng mình với các khoản chi, chỉ cần một khách hàng rút 20 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến cả hệ thống", cựu Tổng Giám đốc VNCB thừa nhận.

Tòa hỏi những khoản chi ngoài này căn cứ ở đâu? Theo quy định nào? Ông Mai thừa nhận hành vi trên trái quy định của NHNN nhưng theo ông đó là "luật bất thành văn" của các ngân hàng yếu kém để lôi kéo người gửi tiền. Việc chi tiền chỉ là thỏa thuận miệng, không bao giờ có giấy tờ cũng như chứng cứ giao dịch.

Liên tục hiến kế rút tiền

Tại tòa, bị cáo Mai thừa nhận bản thân là người viết đề án tái cơ cấu và cũng là người hiến kế để Phạm Công Danh thực hiện hàng loạt phi vụ rút tiền.

Theo cáo trạng, Mai chính là người đề xuất rút tiền thông qua hệ thống Corebanking, qua các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để hợp thức hoá việc rút tiền. Danh đồng ý đề xuất này và phân công Mai hoàn thiện mọi thủ tục đến khi tiền ra khỏi VNCB.

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Để hoàn thiện thủ tục, Mai chỉ đạo Lê Công Thảo (giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin của VNCB) lập đề án hiện đại hoá công nghệ theo đề án tái cơ cấu. Đồng thời, Mai chỉ đạo phòng kế toán lập 2 giấy đề nghị chuyển tiền tạm ứng 63,2 tỷ đồng vào tài khoản của công ty An Phát (công ty do Danh thành lập nhờ Phạm Việt Thép đứng tên) để Danh rút ra sử dụng.

Tại phiên toà, Mai thừa nhận đang trong lúc công ty "khát tiền" chi trả cho khách hàng nên đã nghĩ ra cách trên để Danh "mượn tạm", sẽ hoàn lại để nâng cấp Corebanking sau.

Trước những lời khai của bị cáo Mai, chủ tọa nói: "Tôi rất chia sẻ với bị cáo. Bị cáo là người có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, được đào tạo bài bản cấp quốc gia, rất tâm huyết nhưng đã để xảy ra sai phạm".

Tại tòa, bị cáo Mai cũng thừa nhận khi được Danh giao nhiệm vụ tìm nguồn tiền, Mai chính là người đặt vấn đề với N.V.H (Tổng giám đốc quỹ L.V) về việc VNCB ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua quỹ L.V, mức phí là 3%/năm. Với thủ đoạn trên, VNCB đã chuyển cho quỹ L.V 903 tỷ đồng, công ty này chuyển lại cho Danh 900 tỷ đồng, quỹ L.V lấy 3 tỷ đồng.

Sau phần thẩm vấn bị cáo Mai, tòa xét hỏi Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Việt...cùng một số bị cáo để làm rõ hành vi cố ý làm trái.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.

M.Phượng