Cụ Tony Aiello đã quá tuổi “cửu tuần”, giờ cụ đã toàn quyền gọi cơ thể mình là đồ đi mượn: cụ mang trên người răng giả, hông giả và một đầu gối nhân tạo. Để trèo ra khỏi giường, cụ cần tới sự trợ giúp của cái ba-toong. Ngồi dậy, lưng cứng nhắc sau một đêm dài và sau một đời vất vả, cụ nhờ tới một bộ khung riêng để mặc quần và đi tất, một cây xỏ giày để dễ dàng luồn chân vào đôi sneaker dây dán. Cụ sử dụng máy trợ thính và máy điều hòa nhịp cho quả tim đã được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành tới ba lần. Cụ đọc công thức dạy nấu ăn ở phòng khách và khi lê chân được tới bếp, cụ đã quên mất danh sách chế phẩm gồm những gì. Những ngón tay viêm khớp do công việc chặt thịt của năm tháng xưa ép cụ phải dùng kéo để cắt thức ăn. Cụ phải đều đặn sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa tình trạng sung huyết. Chỉ một vết cắt nhỏ khi làm vườn cũng khiến cụ chảy màu tràn trề cho tới khi vợ ông, bà Adele “đắp vá lại cho tôi”, theo như lời cụ nói. Người đàn ông mang nhiều thứ bệnh của tuổi già cao 1 mét 4.
Thế nhưng, cụ Tony vẫn tự hào: “Chẳng ai tin tôi đã 90 tuổi”, cụ tự tin mình có thể làm được mọi việc, chỉ có điều “chậm hơn người khác chút thôi”. Những người quen Tony chục năm nay đều nói rằng cụ mắc “chứng người lùn”, một căn bệnh tâm lý thường thấy ở những người thấp bé, thường xuyên cố gắng để vượt qua mặc cảm chiều cao của mình. Nhưng ở cụ Tony, có một điều gì đó khác biệt hơn là cái pháp danh y học của căn bệnh chỉ tồn tại trong trí óc.
Người ta kể cách đây chẳng lâu lắm, cụ Tony trông tráng kiện hơn ngày thường, vận cái áo ba lỗ khỏe khoắn, rảo bước dọc vỉa hè. Cái can trường của cụ thể hiện rõ qua tính khí: Hồi 80 tuổi, cụ gặp bà Adele Navarra khi đang đứng xếp hàng tại quầy thịt ở siêu thị địa phương, cụ ông mạnh dạn mời cụ bà đi uống cafe ngay tối hôm ấy. Cụ Tony mua một bó chục bông hồng cho dịp đặc biệt.
Hai người tình già đều đã góa bụa từ lâu, và chẳng lâu sau ngày ấy, họ làm đám cưới. Cụ Adele già hơn cụ Tony 2 tuổi, nhưng người ta ngạc nhiên tột cùng trước đầu óc sắc sảo của cụ bà. Cụ Adele chuyển tới sống cùng cụ Tony tại Berryessa miền Đông San Jose, California. Trùng hợp thay, cô con gái cụ bà sống cách “nhà chồng” của cụ Adele chỉ hai dãy phố. Có lần cụ Adele ngã trong sân, hàng xóm vội chạy lại đỡ thì thấy cụ Tony đang cố đỡ vợ mình dậy, nhẹ nhàng dìu bà vào căn nhà yên ấm nơi cụ đã sống đời yên bình suốt hơn 50 năm qua.
Thế rồi sóng gió ập lên đầu gặp uyên ương đứng tuổi vào ngày 14 tháng Chín năm 2018, điều tra viên tìm tới nhà cụ Tony, báo tin dữ: người ta vừa tìm thấy thi thể của con gái cụ Adele, bà Karen.
Bà Karen đã 67 tuổi, sống cùng hai con mèo tại đường Terra Noble. Bà công tác dưới danh nghĩa một kỹ thuật viên dược phẩm tại bệnh viện San Jose, và khi bà không đi làm, đồng nghiệp đã tạt qua nhà để hỏi chuyện. Cửa trước không khóa, bước vào trong, người đồng nghiệp phát hiện ra thi thể bà Karen ngồi trên ghế phòng ăn, chân duỗi thẳng, cổ ngửa ra sau để lộ một vết thương lớn. Tay phải bà Karen nắm chặt con dao làm bếp dài 20 cm. Cổ bà Karen bị rạch sâu hai vết.
Điều tra viên không phát hiện ra vết máu xuất phát từ cổ nạn nhân tại hiện trường, cho thấy vết rạch được thực hiện sau khi bà Karen lìa đời. Thực tế, hiện trường không chỉ cho thấy có dấu vết dàn dựng mà còn được dàn dựng trong vội vã và bất cẩn: con dao trong tay bà Karen có hàm ý bà đã tự sát, nhưng ghế quanh bàn đổ hết cả cho thấy dấu hiệu của vật lộn trong phòng bếp. Ngăn kéo phòng bếp và phòng ngủ bị lôi ra hết cả, dường như có ai lục lọi thứ gì nhưng đồ trong ngăn kéo vẫn gọn ghẽ với tiền và trang sức nguyên vẹn, đồ điện tử đáng giá vẫn còn trong nhà, trên bàn bếp là tập giấy tờ tài chính chi tiêu trong tháng.
Màn dàn dựng luộm thuộm vẫn còn một khe hở nữa. Khi thi thể bà Karen nằm trên bàn khám nghiệm, bác sĩ phát hiện ra trên cổ tay bà vẫn còn một thứ đáng chú ý: chiếc Alta HR nhãn hiệu Fitbit, thiết bị có thể ghi lại nhịp tim và hoạt động của chủ nhân. Tòa án đưa trát yêu cầu trích xuất thông tin từ thiết bị điện tử, và họ tìm ra được một câu chuyện nữa nằm bên trong: thứ Bảy, ngày 8 tháng Chín, năm ngày trước khi người ta phát hiện ra thi thể bà, nhịp tim bà Karen tăng vọt và rồi tụt nhanh chóng; tới 3 giờ 28 phút chiều cùng ngày, thiết bị Fitbit không lưu lại hoạt động tim của chủ nhân nữa.
Phát hiện ra điểm khả nghi, cảnh sát đã thu thập video từ chuông cửa thông minh của hàng xóm, vốn hướng thẳng tới cửa nhà bà Karen. Đoạn phim cho thấy trước và sau thời điểm 3 giờ 28 phút chiều, một chiếc xe màu xám đậu trước cửa nhà bà Karen. Chiều cùng ngày, một chiếc Toyota Corolla cùng màu đỗ lại, một đĩa bánh quả hạnh và pizza chậm rãi tiến về phía cửa ngôi nhà: cha dượng của bà Karen, cụ Tony Aiello mang món quà bất ngờ tới cho cô con gái.
Cuối tháng Giêng, người ta đẩy ông Tony Aiello vào đối diện với thẩm phán hạt Santa Clara. Dõi theo cụ Tony là cụ Adele Navarra Aiello ngồi ngay hàng đầu, miệng bà mở to trong ngạc nhiên chỉ giây lát, rồi nhanh chóng lấy lại phong thái ban đầu. Ở tuổi 90, bà trông tao nhã lạ kỳ, cụ mặc một cái áo len đan đơn giản màu nâu, mái tóc tối màu cắt ngắn che nửa đôi khuyên tai vàng. Ngồi bên cạnh cụ Adele là Annette Aiello, con gái cụ Tony; mái đầu tóc xoăn đen cúi xuống cuốn sổ ghi chép đầy những tình tiết vụ án.
Dựa trên dữ liệu từ thiết bị theo dõi sức khỏe nạn nhân và camera an ninh của hàng xóm, người ta đã bắt giữ cụ Tony và buộc tội cụ giết người. Cụ đã trải qua 4 tháng ngồi trong nhà giam của hạt để chờ tới ngày xét xử. Tới tòa, cụ mặc một chiếc áo đồng phục nhà giam màu đỏ, một chiếc quần kaki thông thường, chân đi tất hồng xỏ dép tông do nhà tù không tìm ra đôi giày vừa với chân cụ.
Trong lúc ngồi đợi nhà chức trách bắt đầu phiên tòa, cụ Tony gửi một nụ hôn gió tới người vợ ngồi cách mình không xa, rồi vặn vẹo massage cho mấy ngón tay viêm khớp. Ông bắt đầu tuôn nước mắt, rồi vội vàng rút giấy từ túi áo ngực để lau đi những giọt lệ lăn trên gò má nhăn nheo. Dù thế, ông vẫn cố gắng mua vui cho người vợ già: ông hướng hai cổ tay đeo còng về phía vợ, vỗ nhẹ nhàng rồi ngoáy hai ngón tay cái, như để chứng minh rằng thân thể già vẫn đầy niềm vui như ngày nào. Sau nụ hồng thứ ba, cụ bà Adele đáp lại bằng nụ hôn gió của riêng mình.
Phiên tòa không kéo dài lâu. Ngoài sảnh, một người phụ nữ có mặt tại phiên tòa tiến tới chỗ cụ Adele. Bà tự giới thiệu mình, rằng đã là đồng nghiệp với bà Karen từ nhiều thập kỷ trước. Người phụ nữ khen vóc dáng trẻ trung của cụ Adele, cụ bà đáp lại với một nụ cười: “Năm nay tôi 92 tuổi rồi đó”.
Tất cả người quen của gia đình và hàng xóm láng giềng bàn ra tán vào về hành động của cụ bà Adele sau phiên tòa, tự hỏi vì sao cụ vẫn chịu đứng bên cạnh chồng mình. Và khi những nụ hôn gió qua lại chưa đủ làm bằng chứng thuyết phục họ, bà Adele lên tiếng làm rõ một cách đơn giản: “Chồng tôi dịu dàng lắm. Hai người họ thân thiết với nhau vô cùng”.
Thời điểm đó, cụ Adele không muốn nói thẳng suy nghĩ của mình ra. Cụ tin rằng chồng mình vô tội, kẻ thủ ác vẫn đâu đó ngoài kia, và dữ liệu từ cái thứ đồ công nghệ nào đó không thể thay đổi được suy nghĩ của cụ bà vẫn còn minh mẫn.
Cụ Anthony Vincent Aiello sinh ra tại Chicago năm 1928, là một trong bảy người con của gia đình đông đúc. Còn chưa đến lúc Anthony nhận thức được, gia đình đã lại chuyển về Sicily, Ý. Học đến lớp 5 thì cụ Anthony bỏ sách vở, lao động phụ giúp nhà máy sản xuất dầu olive của gia đình. Đến tuổi dậy thì, phố xá đồn đại đang đến đợt tuyển quân lớn, Anthony lên tàu quay lại Mỹ chỉ sau một tuần. Cụ phụng sự quân đội Mỹ suốt Chiến tranh Triều Tiên và rồi giải ngũ, về sống với chị gái tại San Jose.
Tony xin vào làm tại nhà máy dưa bao tử ở Del Monte, lập nên gia đình nhỏ, rồi cùng anh dâu mở cửa hàng tạp hóa ven một con đường vắng người qua lại, chủ yếu phục vụ nông dân địa phương có gốc Ý và Bồ Đào Nha. Người nhà nhớ tới ông Tony như một người cha chú thích đùa, “mắt nháy sáng” với mỗi nụ cười, đồng nghiệp không mấy dễ chịu với ông khi cảm thấy “tính gia trưởng, bề trên”, có một người phụ nữ từng làm việc cho Tony mô tả cụ hơi “lập dị”.
Gia đình Aiello có hai người con, đến thập niên 60, gia đình mua được một căn nhà mới với giá 37.000 USD. Khu vực đất đai lộn xộn sớm được quy hoạch và dần mọc lên những ngôi nhà ngăn nắp, tới khi cửa hàng tạp hóa nhỏ bị buộc di dời để làm đường, Tony mở một cửa hàng đồ ăn trong thương xá, cách nhà chỉ 8 phút di chuyển bằng xe hơi.
Cả nhà góp sức gây dựng cửa hàng mới, Tony là người đứng quầy với khuôn mặt niềm nở, liều lĩnh diện tạp dề trắng khi phục vụ mỳ Ý và thịt tươi. Tony luôn miệng tán gẫu với người tới mua hàng, và một khách quen của quán nhớ lại: “Ông là một người khá nóng tính, là tuýp người ‘đừng có nhờn với tôi’”. Sau nhiều năm đứng quầy tán gẫu, cụ mất giọng lơ lớ của người Ý để rồi quen với tiếng Anh, thứ ngôn ngữ ông mới bắt đầu nói từ thuở thiếu niên. Cụ và con trai mình, Tony Jr. mở thêm dịch vụ cho thuê xe kéo hồi thập niên 80 để kiếm thêm cho gia đình. Ngồi trong phòng thẩm vấn, cụ trả lời thành thực: “Tôi thích được làm việc lắm”. Lúc rảnh, cụ săn hươu và lợn rừng; cái gara của cụ treo đầy thú săn được từ thời còn mạnh khỏe.
Cách tiệm của Tony 10 phút lái xe là tổ ấm của Adele và Dominic Navarra, họ sống cùng hai người con là Stephen và Karen. Dominic cũng tự tay mở được một cơ nghiệp riêng trong ngành y dược, tại đó Karen nhận đơn thuốc. Người ta nhận xét Karen là một cô gái vui vẻ, kín đáo.
Cô là “mẫu bạn có thể tin tưởng giao bí mật, và họ sẽ không bao giờ kể cho ai”, người bạn thân lâu năm, Therese Lavoie nhận xét. Lavoie kể rằng anh trai của Karen, Stephan, mới là người hướng ngoại giống bố, còn Karen thì lại giống bà Adele hơn. “Họ đúng là hình mẫu gia đình hoàn hảo”, Lavoie nhận định.
Khoảng thập niên 70, Stephen mất trong một tai nạn xe máy, một sự kiện “thay đổi cả nhà Navarra”, theo lời kể của Lavoie. “Kể cả khi Karen có nghĩ tới chuyện lập gia đình thì sau biến cố đó, cô cũng chỉ muốn chăm sóc cha mẹ mình tới lúc già thôi”. Ông Dominic mất năm 1996. Khoảng 10 năm sau, Karen thừa kế gia sản của bà nội, một căn nhà trên đường Terra Noble.
Năm 2010, vài năm sau thời điểm chuyển nhà, bà Adele cưới ông Tony, rồi chuyển về chung sống với người chồng già trong căn nhà màu kem tươi tắn, với một vườn húng quế và cà chua xinh xắn đặt trước nhà.
Khi Tony mua căn nhà này hồi thập niên 60, khu vực Berryessa này thưa thớt người ở, đa số nhà nơi đây đều chỉ có một tầng với một mảnh vườn nhỏ. Nhiều năm trôi qua, đa số những thế hệ đầu sinh sống nơi đây bán đất cho trường học và các công ty công nghệ mới chuyển tới. Gia đình Aiello sống ngay tại Thung lũng Silicon, nhưng Adele chỉ biết chút đỉnh về công nghệ còn Tony tự nhận mình “dốt đặc”.
Mọi thứ thay đổi như một quy luật tất yếu. Giá bất động sản khu vực lên như diều gặp gió, nhà cửa được lắp thêm những thiết bị công nghệ cao, yếu tố bảo mật len lỏi vào từng con phố của Berryessa. Những người già còn lưu lại nơi đây khó có thể hiểu lòng tụi trẻ mới chuyển tới, có người phàn nàn: “Họ chuyển nhà tới đây, đóng cửa gara im ỉm rồi đi thẳng vào nhà”.
Theo lời Adele, Karen vẫn thường nói rằng mình là “thành viên cô đơn trong gia đình”, cuộc sống của bà chỉ quẩn quanh công việc và nhà cửa - nơi bà chăm sóc hai con mèo và trồng hoa hồng trước sân. Theo như cụ Adele được biết, thì bà Karen đã không có mỗi quan hệ tình cảm nào suốt nhiều năm nay, dữ kiện này ít nhiều được xác nhận bởi lời đồng nghiệp của người quá cố, rằng không ít lần bà Karen thổ lộ: “May mắn quá là tôi độc thân. Tôi sẽ không phải giải quyết những vấn đề đau đầu này”.
Cứ vài tuần, hai mẹ con Adele và Karen lại gọi điện hỏi thăm nhau, và cụ Adele giữ một bộ chìa khóa sơ-cua để vào nhà con gái.
Bà Karen cao 1 mét 65, nặng khoảng 77 kg, sức vóc hơn hẳn người mẹ già của mình. Công việc của bà yêu cầu phải đi bộ nhiều, đẩy máy móc nặng qua hàng lang dài của bệnh viện, nơi bà đã cống hiến hơn 40 năm nay. Cũng mới đây thôi, bà sắm cho mình một chiếc Fitbit để theo dõi bước đi bộ mỗi ngày. Cụ Adele mô tả con gái mình là một người chu đáo và rộng lượng, thường xuyên nhận hộ ca cho người khác. Người quen gặp lại bà sau nhiều năm đều ngạc nhiên khi vẫn thấy bóng dáng cô gái vui vẻ năm nào, với mái tóc đuôi ngựa giờ đã bạc.
Vài tháng trước ngày định mệnh, Karen kể cho mẹ rằng bà có nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt đừng bên kia đường, có khả năng đang theo dõi bà. Sau sự việc kỳ lạ đó, bà Karen lái xe thẳng vào gara và cẩn thận đóng chặt cửa. Vào khoảng thời gian được cho là thời điểm xảy ra án mạng, ít nhất hai người hàng xóm kể lại họ nghe thấy tiếng thét và mập mờ nghe thấy tiếng hét “Bỏ tôi ra!”. Không ai trong số đó gọi cảnh sát cả.
Khi cảnh sát tới báo tin dữ cho Adele và Tony, họ đã không mô tả chi tiết cái chết của bà Karen, chỉ nói với cặp vợ chồng già rằng bà Karen tử vong do một vết thương ở đầu, và rằng họ vẫn đang tiếp tục điều tra. Điều tra viên báo tin cho gia đình có nói thêm với cảnh sát một chi tiết nữa: trong khi cụ Adele shock vô cùng khi nhận được tin, cụ Tony liên tục ra vào phòng, mang theo giấy ăn cho cụ Adele lau nước mắt.
Không lâu sau khi cảnh sát rời đi, cụ Tony tới nhà Karen, nơi cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra hiện trường gây án. Thấy cảnh sát vẫn vây quanh căn nhà, cụ Tony hỏi liệu mình có thể lấy thư từ được gửi tới cho Karen không. Cụ có nói thêm: “Tại sao lại có người có thể thực hiện việc này nhỉ?”, theo lời của viên cảnh sát đã tiếp chuyện cụ.
Chiều hôm đó, khi hai cảnh sát tới gia thất Aiello để hỏi thêm thông tin về vụ án mạng, cụ Tony vén màn chào họ từ cửa sổ, trên môi nở một nụ cười lớn. Họ hỏi cụ sức khỏe ra sao, và nhận lại được lời đáp bông đùa: “Ồ, sức khỏe chàng trai này không tệ lắm”. Tiếp họ tại bàn bếp, cụ Adele liên tục thúc ép những người chịu trách nhiệm điều tra phải cố gắng tìm ra thủ phạm.
Cụ Tony kể với các điều tra viên về việc mang pizza và bánh sang nhà bà Karen hôm thứ Bảy, và rằng bà Karen có nói về việc sẽ ra ngoài gặp bạn. Cụ bà Adele nghe thấy thế, yêu cầu cụ Tony phải nói rõ hơn.
“Anh yêu à, con nó đi với một hay nhiều bạn?”, cụ hỏi
“Anh cũng không nhớ rõ”, cụ Tony đáp.
Trong lời khai của cụ, các điều tra viên nhận ra một đầu mối khả thi nữa: Vài tiếng sau khi chiếc pizza tới tư gia của bà Karen, ông có nói rằng mình nghe thấy một tiếng còi, ghé mắt nhìn qua cửa sổ ông thấy chiếc xe trắng của Karen chạy ngang qua nhà mình, có ai đó đang ngồi ghế hành khách trong xe. Suốt ngày hôm đó, cụ Tony có nhắc nhiều lần tới sự việc này, chi tiết của từng câu chuyện có khác nhau, nhưng dị bản nào cũng đều nhắc tới người ngồi trong ghế hành khách.
Biết được câu chuyện của cụ Tony, điều tra viên kiểm tra khu vực lân cận xem liệu có camera an ninh của nhà nào ghi lại cung đường bà Karen có thể đã đi. Họ tìm thấy một video như thế, nhưng có điều không thấy xe của bà Karen xuất hiện. Tuy nhiên, chuông cửa thông minh của nhà đối diện bà Karen đã ghi lại hình ảnh của một chiếc Toyota đậu trước cửa nhà bà Karen, chiếc xe giống với phương tiện cụ Tony vẫn sử dụng. Video cho thấy xe đã đỗ vào lúc 3 giờ 12 phút chiều, vẫn ở nguyên chỗ cũ lúc 3 giờ 33 phút chiều, và đến lúc 3 giờ 35 phút, chiếc xe đã biến mất. Đoạn video không ghi lại được hình ảnh tài xế.
Cảnh sát chưa biết tầm quan trọng của những mốc thời gian trên cho tới ngày 19 tháng Chín, khi dữ liệu từ chiếc Fitbit của bà Karen xuất hiện. Phân tích ban đầu cho thấy sau thời điểm 3 giờ 13 phút chiều, bà Karen không đi thêm bước nào. Lúc 3 giờ 20 phút, nhịp tim của bà tăng nhanh, rồi đột ngột giảm và không xuất hiện nữa lúc 3 giờ 28 phút. Theo biên bản điều tra, bà Karen đã “bị giết hại một cách tàn nhẫn khi đang dùng bữa ăn cuối cùng”. Dưới chân bà vương vãi những miếng pizza đã nguội.
Theo lời luật sư của ông Tony, ngày 25 tháng Chín, cảnh sát triệu tập cụ Tony và yêu cầu gặp mặt tại nhà bà Karen. Cụ vừa đặt chân tới nơi, một toán cảnh sát có vũ trang tiếp cận ông từ một chiếc xe đỗ gần đó, hàng xóm khu vực nghe tiếng cảnh sát quát lớn “giơ tay lên”. Cụ Tony bị bắt.
Tại đồn cảnh sát San Jose, Tony bị đưa vào phòng thẩm vấn nghi can của các vụ án mạng. “Tôi đang làm cái quái gì ở đây thế?”, cụ Tony hỏi hai thám tử là Brian Meeker và Mike Montonye. Cụ khước từ quyền giữ im lặng, trong vui vẻ, kể lại cho hai thám tử nghe về chuyện đời mình cũng những câu trả lời liên quan tới bà Karen cụ đã đưa ra trước đó.
Đột ngột, một trong hai thám tử đổi chủ đề: anh hỏi cụ có biết Fitbit là cái gì không? Cụ lắc đầu. Họ giải thích cho cụ về việc nó có thể ghi lại số bước chân người. “Ồ, hay phết nhỉ”, cụ đáp, chưa hiểu ý đồ của hai người thẩm vấn mình. Họ tiếp tục nói về cơ chế đo nhịp tim của thiết bị, cụ Tony tiếp tục trầm trồ: “Ồ, vậy còn hay hơn nữa”.
Hai thám tử đưa bằng chứng buộc tội cụ Tony: Dữ liệu từ chiếc Fitbit cho thấy tim bà Karen ngừng đập lúc 3 giờ 28 phút. Và họ có bằng chứng cho thấy cụ Tony có mặt tại hiện trường lúc đó.
Cụ đáp ngay: “Ồ không. Con nó vẫn còn sống khi tôi rời khỏi đó mà”.
Sáu tiếng trong phòng thẩm vấn, ba người đàn ông phân tích từng chi tiết của chuyến viếng thăm kèm pizza và bánh biscotti của cụ Tony. Cụ già không tỏ ra bực mình suốt buổi thẩm vấn, vui vẻ trò chuyện, liên tục gọi hai vị thanh tra là “bạn tôi ơi”. Đến mức một trong hai thanh tra bực tức lên tiếng: “Tony, để tôi nói thẳng luôn nhé. Ông liên tục gọi tôi là ‘bạn’. Đến lúc này thì chẳng phải bạn bè gì nữa rồi, tôi buộc tội ông giết con gái của mình”.
Có lúc, thanh tra thúc ép ông Tony nói ra sự thật: “Tôi cho rằng ông đã đập vỡ đầu con gái của mình. Tôi thực sự tin thế. Tôi nghĩ rằng ông đã làm những việc hết sức ghê tởm”.
Cụ Tony đáp: “Thằng nhóc này, tôi không làm thế đâu. Tôi là một người dễ mến mà, một con người của gia đình đó chứ”.
Không thể có được lời thú tội từ cụ già, hai thanh tra quay sang xoáy sâu vào động cơ gây án. Lẽ nào là tiền? Cụ Tony đáp trả bằng một tràng cười: “Đó là thứ chúng tôi hiện chẳng cần tới”.
“Có phải ông cố gắng đá đưa con gái của mình không?”.
“Không bao … Chúa tôi, thật vậy đó. Không bao giờ. Tôi có … như vậy đâu. Tôi là một người đàn ông hạnh phúc, hạnh phúc theo nhiều cách khác nhau lắm ấy”.
Cụ Tony cho rằng ai đó đã trốn trong nhà, và hỏi lại rằng cảnh sát có tìm thấy bánh biscotti, một trong hai thứ đồ ăn gốc Ý ông mang tới nhà bà Karen, mong rằng đó sẽ là manh mối đưa họ tới kẻ thủ ác. Một trong hai vị thám tử đáp lời: “Ông biết con gái của mình mới bị giết, cớ gì mà ông lại hỏi tôi về túi bánh được nhỉ?”
“Ý tôi là, nếu ai đó lấy mất thì đó sẽ là bằng chứng đấy nhỉ?”
“Vậy ý ông là Quái vật Bánh quy đã gây tội đấy nhỉ?”
Suốt thời gian thẩm vấn, đã có vài lần thám tử rời phòng nhưng họ vẫn tiếp tục cho camera chạy. Ngồi một mình, nhưng biết rõ rằng mình đang bị quay phim, cụ Tony bực tức ra mặt. “Ngồi trong phòng thẩm vấn, ông duỗi tay chân và tập thể dục, liên tục di chuyển, đi bộ quanh phòng, giơ tay vươn vai rồi vặn vẹo chúng”.
Trong thời gian đó, ông tự lẩm bẩm: “Mình bị đổ tội cho việc mình không hề làm. Tại sao lại thế nhỉ? Không thể hiểu được. Mình có làm thế đâu. Mình có làm thế đâu. Mình không làm vậy … Rồi, thế là xong … Hỏng hết rồi. Không, cậu ta tin là mình làm thế thật. Rồi, thế là vào nhà tù hạt. Mất cả nhà. Tony Aiello phải ngồi tù, wow. Mày ngu thật đấy. Dốt nát”.
Trong một lần nghỉ giữa lúc thẩm vấn khác, ông khóc thương con gái mình: “Con tôi, con tôi, con gái của tôi … Ai có thể thực hiện tội ác đó nhỉ”.
Và một lần khác: “Sẽ chẳng bao giờ thấy ánh Mặt Trời nữa. Tôi không làm thế … Tên chết tiệt nào đã ở trong nhà lúc đó? Hắn trốn thật kỹ”.
Có lúc, điều tra viên tiếp tục vào phòng, nói với cụ Tony rằng sau khi khám nhà ông, họ tìm thấy nhãn hiệu dao giống với con dao trên tay bà Karen ở hiện trường. Cụ giải thích rằng vì cụ từng làm nghề đồ tể nên rất sẵn dao. Có một chi tiết khó giải thích nữa, rằng trong hòm đồ của cụ, họ thấy một cái áo có dấu máu.
“Liệu đó có phải máu của Karen không?”, thám tử hỏi.
“Không. Tôi không nghĩ thế”.
Ngay lập tức, thám tử vặn lời ông: “Thú vị quá nhỉ, ‘Tôi không nghĩ thế’ thay vì ‘Không phải’”. Cụ Tony giải thích rằng rất có thể ông đã vẩy tay lúc bị thương nên máu bắn vào đó.
“Ông Tony ạ, có quá nhiều thứ ông không giải thích được. Và nếu tiếp tục như vậy, chúng tôi dùng khoa học chứng minh ông có tội”.
Năm 2009, Fitbit cho ra mắt thiết bị theo dõi thể trạng người dùng, sử dụng bằng cách đeo nó lên quần áo. Với cảm biến, thiết bị sẽ đo đạc tốc độ và hướng di chuyển của người sử dụng. Sau đó, thiết bị sẽ tận dụng thuật toán để phân tích dữ liệu thu được, đưa ra kết quả của quá trình vận động.
Khi Fitbit lớn mạnh dần, công nghệ của họ được cải tiến rõ rệt. Năm 2011, họ ra mắt mẫu thiết bị đầu tiên có thể kết nối với iPhone thông qua một ứng dụng, để rồi ra mắt thiết bị đeo cổ tay đầu tiên vào năm 2013. Ngày nay, trên dưới 27 triệu người sử dụng thiết bị theo dõi sức khỏe của Fitbit, để xem hôm nay họ đã hoạt động ra sao, đi được bao nhiêu bước, đốt được bao nhiêu calorie.
Và khi công nghệ này ngày một đại trà, điều tất yếu sẽ tới: nó sẽ nằm trên cổ tay của nạn nhân hoặc nghi phạm, trở thành nhân chứng nắm trong tay đầu mối quan trọng, thậm chí sở hữu bằng chứng chứng thực lời khai của nghi phạm và “nạn nhân”. Sẽ có người bịa ra câu chuyện mình bị tấn công vào một khoảng thời gian nhất định, nhưng thiết bị đeo trên người họ lại không cho thấy dấu hiệu nhịp tim tăng để chứng minh điều đó.
Nếu sử dụng Fitbit làm bằng chứng trước tòa, thiết bị sẽ phải thể hiện rằng dữ liệu nó mang trong người là chính xác - không phải chính xác tương đối, mà chính xác tới từng phút. Cũng như một chiếc máy bay nhiều triệu USD, trên Fitbit cũng có hộp đen, chứa đựng những thông tin nhạy cảm mà nhiều người muốn giấu.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy Fitbit không phải lúc nào cũng đúng. Theo 67 nghiên cứu khả năng theo dõi hoạt động của Fitbit, người ta thấy rằng thiết bị hoạt động hiệu quả nhất trên người khỏe mạnh với tốc độ đi bộ trung bình. Thậm chí khi đủ những trường hợp trên, dữ liệu từ Fitbit vẫn không thực sự chính xác: khoảng 50% số lần thử cho thấy chúng chỉ đo được 10% tổng số bước chân thực tế của người dùng; khi một người sử dụng máy đi bộ và đặt tay lên chỗ vịn, tính chính xác của bộ đếm bước chân giảm mạnh.
“Thiết bị không đo đạc được hành vi người dùng. Chúng chỉ phiên dịch chuyển động của người dùng thành dữ liệu thôi”, Lynne Feehan, phó giáo sư chuyên ngành khám chữa lâm sàng tại Đại học British Columbia, và cũng là người dẫn dắt một trong các nghiên cứu về Fitbit, nói.
Rất nhiều người dùng Fitbit hiểu rõ những sai lầm có thể có của thiết bị này: một bài tập piano có thể bị quy thành đạp xe đạp, lúc đang tập vã mồ hôi mà thiết bị không nhận thấy nhịp tim. Ngay cả điều khoản sử dụng của Fitbit cũng ghi rõ họ “không có khả năng thay thế thiết bị y tế hay các thiết bị đo đạc khoa học”.
Smartwatch đo nhịp tim người dùng bằng cách bắn ánh đèn LED xanh lá xuống mạch máu dưới da với nhịp độ cả trăm lần/phút. Khi mạch nhiều máu, chúng hấp thụ ánh sáng tốt hơn và thiết bị sẽ đo đạc số phần trăm ánh sáng được hấp thụ để nhờ thuật toán tìm ra nhịp tim.
Các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Wisconsin phân tích xem khả năng đo nhịp tim chính xác của Fitbit tới mức nào, bằng cách so sánh chúng với kết quả của điện tâm đồ, quy chuẩn xưa nay của khả năng đo nhịp tim. Họ phát hiện ra rằng thiết bị theo dõi sức khỏe đeo cổ tay sẽ có sai số lớn khi người dùng sử dụng máy chạy bộ, sai lệch lớn so với khi một người ngồi nghỉ.
“Không một ai tuyên bố kết quả đo được là chính xác cả”, Lisa Cadmus-Bertram, một nhà khoa học nghiên cứu về nhịp tim nói. Thế nhưng, sai số của thiết bị theo dõi sức khỏe không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thường ngày và ứng dụng của những dữ liệu đó. Chưa hết, một thiết bị như thế sẽ dễ dàng phát hiện ra nhịp tim của người dùng đã ngừng hay chưa.
Bằng chứng có được từ thiết bị theo dõi sức khỏe đã xuất hiện trước tòa tại Anh và Đức. Tại Mỹ, vụ án đầu tiên sử dụng bằng chứng lấy từ một thiết bị như vậy đã có một cái kết bất ngờ.
Năm 2015, một người phụ nữ tại Pennsylvania tuyên bố rằng mình đã bị một kẻ đột nhập kéo ra khỏi giường và vào phòng tắm, tại đó hắn ta kề dao vào cổ chị, sử dụng một cái chai để tiến hành hành vi xâm hại tình dục. Người phụ nữ đã cho các nhà điều tra lấy dữ liệu từ thiết bị Fitbit của mình, thế nhưng dữ liệu ghi lại trái ngược với lời khai của “nạn nhân”. Fitbit cho thấy chị ta đã đi bộ ngoài đường cả tối trước khi gọi cảnh sát, chứ không hề ngủ trong phòng. Chị ta bị buộc tội dựng chuyện, và đã không tiến hành kháng cáo.
Tính tới nay, rất ít thẩm phán tuyên bố phải có buổi thảo luận cặn kẽ về cách vận dụng bằng chứng lấy được từ các thiết bị theo dõi sức khỏe. Năm 2016, trong một vụ án tại Wisconsin, dữ liệu từ Fitbit đã là loại bỏ khả năng người phụ nữ bị bạn trai sống cùng nhà sát hại. Thẩm phán tuyên bố bản tuyên thệ từ Fitbit là đủ để xác định tính xác thực của dữ liệu trích xuất được, và cho phép luật sư sử dụng dữ liệu đếm bước để chứng minh người đàn ông vô tội; tại tòa, chuyên gia phân tích dữ liệu từ sở cảnh sát cam đoan tính xác thực của thiết bị. Thế nhưng, thẩm phán quyết định không sử dụng bằng chứng dữ liệu thời gian ngủ lấy từ Fitbit, cho rằng dữ liệu này có thể lệch tới 45 phút so với thời gian thực. Vụ án hiện vẫn chưa ngã ngũ.
Những rắc rối xung quanh việc sử dụng những dữ liệu này trước tòa chắc chắn chưa chấm dứt. Antigone Peyton, một luật sư về quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ đã từng sử dụng dữ liệu tương tự trong nhiều vụ kiện tụng, chỉ ra rằng đến thời điểm này, vẫn chưa có quy chuẩn nào cho việc ứng dụng loại dữ liệu này vào xét xử.
Đã có thời người ta áp dụng hai kỹ thuật lỗi thời trong xử án, là phân tích chì trong đạn (dựa trên giả thuyết cho rằng chì trong mỗi lô đạn là khác nhau, sử dụng hóa học để xác định đạn ở hiện trường tương đồng với đạn của nghi phạm) và máy phát hiện nói dối, cho đến khi chứng minh được rằng hai phương pháp này có độ sai lệch cao.
Người ta vẫn thường nhầm lẫn dữ kiện sẽ tương đương với sự thật, nhưng “có quá nhiều cách để can thiệp vào thông tin có trên các thiết bị thông minh”, luật sư Peyton nhận định.
Gail Gottehrer, luật sư với chuyên môn cao về các vụ kiện tụng công nghệ và giảng viên tại Đại học Columbia, cho rằng thẩm phán nên cho phép một (hoặc nhiều) chuyên gia công nghệ tham gia cố vấn cho ban hội thẩm. Các thành viên hội thẩm đoàn cần phải hiểu rõ bản chất của công nghệ, rằng “điều này không đơn giản như lưu một văn bản Word và in ra. Đây không đơn giản là lưu trữ dữ liệu và trình diện trước tòa; đã có sự có sự can thiệp nhất định vào dữ liệu. Thuật toán lại trở thành thứ đưa ra kết luận”. Sau khi nhận được lời khuyên từ chuyên gia công nghệ, ban hội thẩm mới nên có kết quả cuối cùng.
Đã từ lâu, dữ liệu số có độ tin cậy cao. Nhưng hiện tại đã khác, theo lời luật sư Gottehrer, “đây là thứ bạn đeo trên cổ tay, về cơ bản là đồ vật mang theo những thông tin riêng tư nhất của bạn”. Dù bạn có quyền giữ im lặng, đa số thiết bị bạn sở hữu lại không sở hữu cái quyền đó. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tuyên bố để bảo vệ Tu chính án luật Thứ nhất, cảnh sát phải có trát để lấy dữ liệu người dùng. Nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Amazon không chấp hành, nhất quyết bảo vệ người dùng bằng cách từ chối cung cấp dữ liệu nhạy cảm, một số công ty wearable vẫn chấp hành luật pháp.
Trong vụ xét xử Tony Aiello, dữ liệu Fitbit được trích xuất từ thiết bị của nạn nhân, không phải người bị buộc tội. Tuy nhiên, cảnh sát địa phương vẫn có được trát yêu cầu lấy dữ liệu từ thiết bị Fitbit của bà Karen.
Luật sư biện hộ cho Tony tập trung xoáy sâu vào độ tin cậy của dữ liệu Fitbit. Họ cũng có được một loạt luận điểm đáng chú ý: bà Karen mới chỉ đeo thiết bị được 2 tuần hay thậm chí ít hơn, vậy nên Fitbit vẫn chưa quen với thể trạng bà, bên cạnh việc khoảng tin cậy của dữ liệu Fitbit thấp; Edward Caden, một trong các luật sư bào chữa, nói rằng “khoảng vọt” của nhịp tim bà Karen thu được từ chiếc Fitbit là không chính xác, là “nhô lên” thì đúng hơn. Còn một dữ kiện nữa, Caden cho rằng có những thời điểm sau mốc 3 giờ 28 phút chiều, Fitbit có vẻ vẫn đang tiếp tục nhận tín hiệu nhịp tim.
Suy cho cùng, thẩm phán mới là người đưa ra quyết định đâu là bằng chứng xác đáng, được phép trình diện trước tòa. Tháng Tám vừa qua, Jeff Bonham, giám đốc của Fitbit làm chứng trước tòa rằng Fitbit đã cung cấp một bản Excel chi tiết về nhịp tim và bước chân của bà Karen. Ông cũng làm rõ rằng khoảng tin cậy của Fitbit thấp là do thiết bị không ghi lại được nhịp tim nào. Thám tử Meeker đứng ra làm chứng cho độ tin cậy của thiết bị Fitbit: đầu tháng Chín, khi camera an ninh đã hai lần ghi lại cảnh bà Karen đi bộ trong cửa hàng, thiết bị Fitbit đều ghi lại hoạt động của bà. Fitbit từ chối bình luận thêm về vụ án này.
Trong thời đại của Internet of Things, các thiết bị số đang giăng ra thành một mạng lưới thiết bị theo dõi mới - với camera khắp chốn, điện thoại với khả năng lần bước người dùng được ta mang theo khắp nơi, trợ lý ảo lắng nghe mọi điều ta nói - ta sớm nhận ra một người sẽ chẳng giấu giếm được gì nhiều nữa.
Bằng dữ liệu từ chiếc Fitbit cho thấy mốc thời gian nhịp tim thay đổi và thời điểm tử vong của bà Karen, camera hàng xóm cho thấy sự hiện diện của nghi phạm, cảnh sát đã có lệnh bắt cụ Tony. Họ cũng sở hữu trát khám nhà, tại đó họ tìm thấy một mảnh vải dính máu, một cái áo rằn ri có máu thấm nơi tay áo. Không có được lời thú nhận của cụ Tony, họ phải mang cái áo đi xét nghiệm ADN.
Chỉ vài ngày sau khi cụ Tony bị bắt, gia đình thuê Steven Nakano làm luật sư bào chữa, người đã ngay lập tức cho cụ Tony thử bài thử nói dối. Cụ Tony vượt bài thử, để rồi Nakano đưa ra một bằng chứng thứ hai: một đầu mẩu thuốc là bị dập tại hiện trường. Cả cụ Tony lẫn bà Karen đều không hút thuốc, thử nghiệm ADN trên đầu mẩu thuốc là cho thấy nó thuộc về một người đàn ông Châu Á. Tuy nhiên, ủy viên công tố của hạt Santa Clara, Victoria Robinson phản biện rằng mẩu thuốc lá “được đặt trên vết máu”, ngụ ý rằng đây là bằng chứng đánh lạc hướng điều tra.
Kết quả khám nghiệm ADN vết máu trên chiếc áo rằn ri của cụ Tony không khiến tình hình thêm lạc quan chút nào: đó chính là máu của bà Karen. Bên nguyên đã không còn cần tới dữ liệu từ chiếc Fitbit hay camera của hàng xóm, giờ đã có bằng chứng buộc tội cụ Tony. (Luật sư Nakano cũng hết sức bất ngờ trước bằng chứng mới này, nói rằng “quả thực khó giải thích”).
Tính đến tháng Ba năm nay, Tony đã phải ngồi tù tổng cộng 5 tháng, và rồi gia đình thuê thêm một đội ngũ luật sư mới - Caden là cựu quản giáo của một nhà tù, và Brian Getz, một luật sư bào chữa đầy kinh nghiệm. Đội ngũ pháp lý mới mời về một nhà tâm lý thần kinh đã nghỉ hưu, đã cống hiến cả sự nghiệp cho hệ thống nhà giam của bang California.
Chuyên gia đã phỏng vấn cụ Tony suốt 75 phút, nhận thấy rằng cụ có vấn đề về trí nhớ ngắn hạn. Sự nhã nhặn được rèn giũa suốt cả chục năm tiếp khách quầy hàng đã khiến cụ “tạo ra cảm giác mình rất được việc, vượt cả khả năng bản thân”. Chi tiết này khiến một câu hỏi mới xuất hiện, rằng “làm thế nào để người đàn ông này có thể” lập ra một kế hoạch chi tiết và che giấu được sự thật mình đã giết người, “còn chưa kể tới việc cụ khó có thể làm được việc này với sức khỏe hiện có”.
Mẩu thuốc lá vẫn còn đó, và cuộc điều tra vẫn được lái theo hướng hiện trường gây án đã được ai đó dựng lên. Nhưng bên bị có một giả thuyết nữa của bên bị: bà Karen đã bị ai đó gây thương tích, người đó vẫn đang trốn trong nhà bà khi cụ Tony mang bánh tới cửa. Khi Tony ôm con gái mình tại cửa, máu đã dây lên áo cụ. Bên nguyên từ chối nêu rõ lượng máu có trên áo, Caden khẳng định rằng “lượng máu đó không khớp với một người vừa thực hiện giết người theo cách đã xảy ra”.
Bên bị nói rằng “nhiều khả năng” kẻ thủ ác đã hạ sát bà Karen sau khi cụ Tony rời đi. Nếu bên bị tiếp tục xoáy vào điểm này, họ sẽ tiếp tục tấn công vào luận điểm cho rằng dữ liệu từ chiếc Fitbit - nhịp tim của bà Karen dừng ở 3 giờ 28 phút chiều - là bất hợp lý.
Giả thuyết của bên bị chỉ có thể xảy ra trong một trường hợp … bất thường: bà Karen biết rõ có một người có khả năng gây tổn thương cho mình ở trong nhà vào thời điểm bà gặp cha dượng mình ở cửa, cụ Tony không biết (hoặc là không nhận ra) con gái của mình đang chảy máu. Luận điểm lớn nhất mà bên bị đưa ra dựa hoàn toàn vào khả năng nhận thức của một cụ già 90 tuổi, bên cạnh đó cho rằng câu chuyện mà bên nguyên đưa ra thậm vô lý: cụ già đã tặng cô con gái một đĩa bánh rồi đập vỡ đầu con gái mình, sau đó khiến hai vị thanh tra tức điên vì liên tục gọi họ là “bạn của tôi ơi”.
Mà bên nguyên cũng không đưa ra được động cơ giết người, khiến vụ án xuất hiện lỗ hổng. Lời khẳng định của cụ Adele gửi tới chuyên gia tâm lý thần kinh càng cho thấy rõ điều đó: “Người đàn ông tốt bụng ấy sẽ chẳng dám giết hại một con ruồi”.
Cụ Tony Aiello sống những năm tháng của tuổi 92 trên tấm giường lạnh lẽo của nhà giam hạt Santa Clara. Cụ không còn những thứ đồ hỗ trợ xa xỉ của ngày xưa để dựa vào đó mà xỏ giày và đứng lên. Hồi còn tự do, cụ kiểm soát bệnh tiểu đường bằng thực đơn tự chế biến hàng ngày, giờ đã phải đều đặn tiêm insulin để gắng gượng sống sót. Đã vài lần cụ phải nhập viện vì gặp vấn đề hô hấp và tim mạch.
Bạn tù giúp cụ vận quần áo, cạo râu và họ cũng dọn giường cho cụ nằm mỗi tối. Ngồi đối diện với luật sư bào chữa cho mình, cụ gò bó với chân tay bị còng lạnh ôm chặt, quấn quanh bụng cụ là một loại còng nữa, với hai đường xích được đóng đinh tán chắc chắn xuống sàn. Luật sư Getz nói trong lo lắng: “Tôi sợ cụ sẽ sớm ra đi”.
Tháng Năm, người ta đưa cụ vào hầu tòa lần nữa, lần này cụ đối diện với thẩm phán để xem liệu mình có được bảo lãnh để được về bên cụ Adele, nghe phán quyết trong căn nhà màu kem ấm cúng. Nhưng với một bị đơn đứng trước cáo buộc giết người, việc ấy khó lắm, mà hạt Santa Clara nổi tiếng hà khắc đã lâu. Phòng giam đã đánh bạt mất cái vui vẻ của cụ Tony, cụ không còn vỗ tay tươi cười mua vui cho vợ nữa. Đợt hầu tòa hồi tháng Giêng, cụ ngồi im lìm, nỗi buồn làm khóe miệng cụ méo đi.
Gia đình cụ vẫn ngồi đó. Những tháng ngày dài hơi của kiện tụng, chứng kiến cảnh cụ Tony phải cô độc trong buồng giam khiến họ mất ít nhiều sức sống. Con gái cụ chống gậy đi hầu tòa, bà Adele đã cần có người đỡ vào phòng xử án. Hồi còn tự do, cụ Tony năng nổ đèo vợ mình chạy quanh phố, mua đồ tạp hóa để về nấu cho vợ ăn. Vắng đi người chồng, bà Adele sụt cân trông thấy.
Bên bị nói lên quan điểm của mình, và giờ đến lượt bên nguyên lên tiếng.
“Đây là vụ giết người”, ủy viên công tố Victoria Robinson nói dứt khoát. “Đây là một vụ án đẫm máu. Đây là một người đã cố hết sức để tránh né tội ác - từ việc nói dối các nhà điều tra cho tới bịa ra một câu chuyện hòng đánh lạc hướng, can thiệp vào hiện trường gây án và thay đổi hiện trường một cách cẩu thả". Rồi bà Robinson nêu ra một dữ kiện bất ngờ: Đã có hai người đứng ra buộc tội cụ Tony xâm hại tình dục họ khi họ còn bé, từ thời điểm những năm 1950.
Nghe từng lời ủy viên công tố nói ra, gia đình Aiello vẫn giữ phong thái cứng rắn. Con gái cụ Tony, bà Annette gạt đi những lời buộc tội trên, cho rằng đó là những “mánh khóe” “vô căn cứ”.
Tháng Sáu, cụ Tony tiếp tục nhập viện vì trụy tim. Lần này, cụ đã phải nằm trên giường bệnh suốt 5 tuần. Cuối tháng Tám, sau khi bị kết tội bởi bồi thẩm đoàn, Tony được đưa tới viện lần cuối, cảnh sát canh phòng cả trong và ngoài phòng bệnh. Cụ bà Adele và bà Annette liên tục thăm viếng, mỗi lần lại thấy cụ Tony yếu đi đôi phần. Khoảng 6 giờ 12 phút ngày 10 tháng Chín, trước sự chứng kiến của bà Annette và các bác sĩ, cụ Tony lìa trần.
Không còn nghi phạm nào khác, bên nguyên dự định bác đơn, việc cụ Tony có vô tội hay không, kèm theo đó là tính xác thực của dữ liệu lấy từ cái Fitbit, sẽ mãi mãi dở dang. “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết chuyện gì đã xảy đến với bà Karen”, bà Therese Lavoie, bạn thân của nạn nhân cho hay. “Sự việc này sẽ đau đáu trong lòng tôi cho tới cuối đời”.
Cách tòa án khoảng 8km, đối diện với cửa hàng phụ tùng ô tô AutoZone và một khu thương xá lớn, có một căn nhà tranh nằm trơ trọi. Đó là lối vào Công viên Tưởng niệm Oak Hill, nghĩa trang thế tục lâu đời nhất đất California. Ở hàng xa, một nấm mộ tươi cỏ, lạc lõng giữa cái xám xịt ảm đạm của nghĩa trang nằm im lìm, dòng chữ trắng đề tựa “KAREN L. NAVARRA, 1950-2018”. Bên trái bà Karen là một bia mộ đá đã sờn, một khung đề tựa tên người cha quá cố của bà Karen, Dominic Navarra, 1923-1996, khung còn lại vẫn còn trống.
Cụ bà Adele giận dữ vô cùng, kể từ cái ngày cụ Tony bị bắt giữ. Bà tin rằng bên nguyên đã muốn cụ Tony phải bỏ mạng trong tù trước khi cụ có thể minh oan cho mình. Khi Tony còn bị giam ở đó, cụ Adele ngày ngày trò chuyện với cụ Tony qua điện thoại, nói rằng cụ sẽ làm tất cả để đưa chồng mình quay về.
Hồi tháng Năm, trước khi người ta đẩy xe lăn đưa cụ Tony rời phòng giam, đôi môi già đã gửi cho cụ Adele nụ hôn đượm một nỗi buồn man mác.
Dựa theo bài báo của Lauren Smiley được đăng tải trên tạp chí Wired, tranh minh họa vẽ bởi Leland Foster.