- Vụ bắt giữ bác sĩ Hoàng Công Lương là một bài học nằm lòng cho các y bác sĩ bởi sự cố y khoa luôn rình rập. Bác sĩ phải tuân thủ không chỉ quy định chuyên môn mà còn cần tuân thủ nghiêm các thủ tục hành chính trong quá trình khám chữa bệnh, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ với Góc nhìn thẳng.
Vụ việc sai xót trong quá trình chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình dẫn tới 8 người tử vong đã để lại nỗi xót xa lớn trong cộng đồng. Nguyên nhân đã được xác định rõ là do tồn dư hóa chất dẫn tới các đường ống máy lọc thận. 3 cá nhân đã vướng vòng lao lý.
Tuy nhiên, việc khởi tố và bắt giữ đối với bác sỹ Hoàng Công Lương, cán bộ Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Hoà Bình đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã có đơn kiến nghị Bộ Công an và Bộ Y tế xem xét vụ việc này để tránh oan sai.
Bộ Y tế cũng đã kiến nghị tới cơ quan công an về việc cho phép bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra. Tất cả những vấn đề này cũng đã đặt ra rất nhiều băn khoăn về ranh giới giữa tai biến y khoa và nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong nghề y.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế để làm rõ vấn đề này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, liên quan đến vụ việc bắt giữ bác sĩ Hoàng Công Lương, Bộ Y tế đã kiến nghị đến cơ quan công an về việc cho phép bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra. Xin ông có thể giải thích rõ hơn về kiến nghị này?
Ông Nguyễn Huy Quang: Bộ Y tế có đề xuất với cơ quan điều tra xem xét thay đổi các biện pháp ngăn chặn đối với bị can Hoàng Công Lương, tức là có thể cho phép tại ngoại. Bởi theo chúng tôi, vi phạm của bác sĩ Lương không phải là tội danh nguy hiểm cho xã hội, liên quan đến giết người hay có hành vi đê hèn, dã man... Chưa kể, đây là tội vô ý.
Qua xem xét, chúng tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương là một bác sĩ có lý lịch nhân thân tốt, nếu như trong quá trình tạm giam, bác sĩ không có các biểu hiện chống đối, bất hợp tác với cơ quan điều tra, không có biểu hiện chạy trốn và không có các biểu hiện tiếp tục gây án nữa thì chúng tôi cho rằng, có thể cho phép bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại. Điều đó cũng phù hợp với tính nhân văn mà chúng ta đang mong muốn đề cập đến.
Nhà báo Phạm Huyền: Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng có đơn kiến nghị lên Bộ Công an và Bộ Y tế, đưa ra rất nhiều điểm và trong đó nổi lên một quan điểm của hội là việc bắt giữ bác sĩ Lương (không biết nguồn nước có đảm bảo an toàn không vẫn cho y lệnh- PV) là không thuyết phục. Ông có đồng tình với quan điểm của hội hay không?
Ông Nguyễn Huy Quang: Tôi cho rằng, trước tiên, việc Hội lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên của mình là phù hợp với các quy định của pháp luật về hội.
Tuy nhiên khi xem xét việc khởi tố một con người, khởi tố một bị can là việc liên quan đến sinh mệnh chính trị của người đó, liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra.
Cho nên, tôi nghĩ cơ quan điều tra, cơ quan công an cũng đã có những cân nhắc các yếu tố của một tội danh ở trường hợp bác sĩ Lương, trong đó có yếu tố về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan. Tôi không bình luận về việc cơ quan công an khởi tố đối với vị can Lương.
Chỉ có một vấn đề lưu ý đến là liên quan đến các thủ tục hành chính, các quy định của pháp luật trong quá trình điều trị khám chữa bệnh, cụ thể là quy trình lọc thận. Như thông tin cũng đã được cơ quan công an công bố, máy móc lọc thận sau khi được bảo dưỡng kiểm tra, được điều dưỡng bật máy lọc lên chạy, bác sĩ thấy máy hoạt động bình thường thì bác sĩ cho y lệnh.
Trong khi đó, đáng lẽ ra, bác sĩ Hoàng Công Lương phải làm đầy đủ các thủ tục hành chính trước khi cho y lệnh, tức là phải có giấy bàn giao thiết bị sau bảo dưỡng, phải có giấy nghiệm thu kết quả bảo dưỡng.... Nếu lúc đó, bác sĩ có giấy đã có ký tên, đóng giấu đàng hoàng thì đúng hơn.
Thế nhưng, tôi cũng phải nói rằng, kể cả trong trường hợp bác sĩ thực hiện đúng các quy định thủ tục đó thì hậu quả vẫn có thể xảy như vậy vì chất lượng nước RO đó vốn dĩ đã không an toàn (tồn dư hoá chất xúc rửa- PV). Do có sự "rích rắc" đó, tôi cho là có thể là chi tiết để cơ quan công an cân nhắc kỹ khi lượng hình phạt và lượng tội danh của bác sĩ Lương.
Nhà báo Phạm Huyền: Qua câu chuyện này, có thể thấy rõ, nghề y luôn gặp phải rất nhiều rủi ro. Vậy, ông có thể nói gì về ranh giới giữa tai biến y khoa với trách nhiệm hình sự mà các bác sĩ đang phải đối mặt hàng ngày?
Ông Nguyễn Huy Quang: Trong lịch sử ngành y, cũng đã có những trường hợp tương tự, như là trong việc truyền máu chẳng hạn. Bệnh nhân cần truyền máu vốn có nhóm máu A, nhưng kỹ thuật viên lại ghi nhầm thành nhóm máu AB, rồi cứ thế, hồ sơ trình lên Trưởng khoa, Trưởng khoa cũng tin tưởng kí luôn và trình với Phó giám đốc, Phó giám đốc bệnh viện cũng theo thế kí luôn hồ sơ bệnh án. Đến khi sự cố xảy ra làm cho người bệnh bị tử vong, cơ quan chức năng cũng quy trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả một chuỗi trong quy trình truyến máu đó, từ kĩ thuật viên xét nghiệm máu cho đến Trưởng khoa, đến Phó giám đốc Bệnh viện.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan chức năng xét thấy cái yếu tố dẫn tới sai sót là liên quan thủ tục về hành chính nên đã cho đình chỉ điều tra. Ở trong vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương, hiện đây mới là giai đoạn đầu của quá trình điều tra thôi.
Nhìn rộng ra, có thể nói, nghề y là nghề rất gian nan, vất vả, đòi hỏi người thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao. Việc đào tạo ra một bác sĩ để hành nghề là rất khó khăn. Trong chức trách của mình, bác sĩ chỉ quan tâm làm thế nào chẩn đoán đúng về lâm sàng, cận lâm sàng, tìm ra các phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Còn dụng cụ y tế có chuẩn hay không chuẩn lại thuộc về vấn đề kiểm định của bộ phận giám định chất lượng máy, rồi còn liên quan chất lượng của cơ sở vật chất. Ví dụ, ê kíp bác sĩ đang mổ nhưng cơ sở vật chất yếu, chẳng hạn cái trần ở trên bỗng sập xuống chẳng hạn... Việc điều trị bệnh có thể bị sự cố bởi các nguyên nhân mang tính chất khách quan như vậy, là những mối nguy luôn rình rập.
Thế nhưng đôi khi, kể cả khi mọi quy trình đều đúng rồi, rủi ro y khoa vẫn có thể xảy ra. Chúng ta cũng đã có một cơ chế pháp lí để xử lí khi có rủi ro.
Có thể nói, nghề nào cũng có rủi ro, đối với những nghề khác ví dụ như sửa chữa ti vi, máy nước..., một cái máy bị chập, hỏng, người ta sửa lại không vấn đề gì nhưng đối với người bệnh mà hỏng, liên quan đến sức khỏe về tính mạng của người bệnh thì rất dễ động đến lòng trắc ẩn của dư luận xã hội.
Nhà báo Phạm Huyền: Nếu để nói ngắn gọn về bài học kinh nghiệm từ vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương đối với ngành y thì ông có thể nói điều gì?
Ông Nguyễn Huy Quang: Chúng ta, các y bác sĩ phải tuân thủ theo chức trách nghề nghiệp của mình, trong đó, không chỉ là phác đồ điều trị, các quy định chuyên môn mà cần quan tâm các quy định mang tính chất hành chính. Các thầy thuốc phải coi đấy là bài học nằm lòng để tự bảo vệ mình.
Nếu như sau đó, tất cả quy trình chuyên môn, thủ tục hành chính đều tốt cả mà vẫn có rủi ro xảy ra thì lúc đó, không phải là lỗi, là trách nhiệm của người thầy thuốc nữa. Đó là bài học đầu tiên.
Bài học thứ hai là dành cho các lãnh đạo bệnh viện. Khi cung cấp một dịch vụ y tế, chúng ta không chỉ quan tâm đến tay nghề của người bác sĩ giỏi mà còn là chuỗi các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, đến trang thiết bị..., tất cả phải vận hành theo đúng các quy chuẩn, chất lượng... Đó là các bài học mà tôi nghĩ toàn ngành y cần phải quan tâm qua cái vụ việc đau lòng và đáng tiệc xảy ra ở Hòa Bình.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc
email: gocnhinthang@vietnamnet.vn