Có thể thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chưa được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa đưa vào trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Nicotex Thanh Thái.

Cách đây ít ngày, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3253/QĐ-XPHC ngày 19/8/2013, về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nicotex Thanh Thái.

Trong quyết định xử phạt hành chính nêu rõ 10 hành vi vi phạm của công ty (trong đó có 09 hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường), tổng mức phạt là 421.150.000 đồng. Đồng thời yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của Nicotex Thanh Thái để khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường đã gây ra.

Các hành vi vi phạm cụ thể là:

(1) Không niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.2) Không có văn bản báo cáo cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM về những điều chỉnh, thay đổi các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt theo quy định.3) Vận hành các công trình xử lý môi trường đã bị công ty điều chỉnh, thay đổi so với các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt mà không có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM.

4) Không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo ĐTM. 5) Xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. 6) Thải mùi khó chịu vào môi trường. 7) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. 8) Không xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải nguy hại gây ra theo quy định.

{keywords}
Rất nhiều thung phuy chứa hóa chất độc hại tìm thấy trong khuôn viên công ty Nicotex Thành Thái. Ảnh: T.Minh/NLĐ

9) Không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác, không dán nhãn theo quy định. 10) Không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn về vận chuyển, bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc của phương tiện vận chuyển, kho tàng.

Thời gian áp dụng hình thức xử phạt kể từ ngày ban hành quyết định cho đến khi công ty thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả và được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho hoạt động trở lại.

Như vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ những hành vi vi phạm công tác bảo vệ môi trường của Nicotex Thanh Thái và có hình thức xử phạt kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vi phạm chưa được đề cập và làm rõ, và hình thức xử phạt theo đánh giá của người viết là "rất nhẹ" đối với công ty này.

Bỏ sót 10 sai phạm

Theo nội dung xử phạt tại Quyết định số 3253/QĐ-XPHC cho thấy, Nicotex Thanh Thái đã không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong bản báo cáo ĐTM được phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 cho đến thời điểm bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động (tại văn bản số 117/TB-UB ngày 01/9/2013).

Nhưng đứng trên giác độ chuyên môn, còn nhiều hành vi vi phạm của Nicotex Thanh Thái đã chưa được đề cập trong quyết định xử phạt hành chính, cụ thể:

Thứ nhất: Vi phạm Điểm c, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Không có văn bản báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn hoặc báo cáo sai sự thật cho cơ quan Nhà nước đã phê duyệt báo cáo ĐTM về kế hoạch xây lắp các công trình xử lý môi trường và hồ sơ thiết kế chi tiết các công trình xử lý môi trường theo quy định".

Thứ hai: Vi phạm Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Không xây dựng và gửi kế hoạch vận hành các công trình xử lý môi trường cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng TN và MT và cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án theo quy định".

Thứ ba: Vi phạm Điểm b Khoản 4, Điều 8, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đúng, đầy đủ nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo quy định".

Thứ tư: Vi phạm Khoản 1, Điều 14, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Chôn vùi hoặc thải vào đất các chất ô nhiễm ở thể rắn, bùn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định của pháp luật bảo vệ môi trường".

Thứ năm: Tại thông báo số 126/TB-UBND ngày 18/9/2013 thông báo kết luận của Phó CT Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền tại buổi làm việc với các ngành về tiến độ kiểm tra, xác minh vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của công ty CP Nicotex Thái Thanh đã kết luận rõ công ty này là "Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" (căn cứ Khoản 1, Điều 9, Thông tư 04/2012/TT-BTNMT).

Như vậy công ty này vi phạm Khoản 1, Điều 15, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ thực hiện xử lý môi trường";

Thứ sáu: Trên cơ sở xác định Nicotex Thanh Thái là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên, công ty này vi phạm Điểm c, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Không tiến hành ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng";

Thứ bảy: Vi phạm Khoản 3, Điều 16, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Chôn lấp, thải chất thải rắn không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường";

Thứ tám: Vi phạm Điểm b, Khoản 2, Điều 17, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Vi phạm các quy định về quản lý hồ sơ cho các hoạt động liên quan đến chất thải nguy hại".

Thứ chín: Vi phạm Khoản 2, Điều 30, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ gây ô nhiễm môi trường".

Thứ mười: Vi phạm Khoản 1, Điều 38, Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Cụ thể: "Vi phạm quy định về thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường".

Những sai phạm cần được làm rõ

Bên cạnh những sai phạm mà Quyết định số 3253/QĐ-XPHC đã "bỏ sót" như người viết đã trình bày ở trên, vẫn còn một số vấn đề chưa được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa làm rõ, cụ thể:

Đó là chưa làm rõ và xác định mức độ vi phạm đối với các quy định về xả nước thải (quy định tại Khoản 5, Điều 10, Nghị định 117/2009/NĐ-CP), mặc dù người dân đã chỉ rõ "đường ống dẫn đang bị mục ruỗng của Cty Nicotex chứa đầy nước thải bốc mùi hôi khủng khiếp đang chảy từ từ vào ngõ ngách từng khe đất" (Báo Lao động, ngày 04/9/2013);

Chưa làm rõ và xác định mức độ vi phạm đối với trường hợp thải khí, bụi có ít nhất một thông số ô nhiễm nguy hại vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (quy định tại Khoản 7, Điều 11, Nghị định 117/2009/NĐ-CP).

Chưa làm rõ và xác định mức độ vi phạm đối với hành vi xả, thải hóa chất độc hại vào môi trường nước không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2009/NĐ-CP).

Chưa làm rõ và xác định công ty đã có văn bản báo cáo gửi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại theo quy định  (quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 117/2009/NĐ-CP). Bởi vì, nếu công ty này có báo cáo định kỳ, thì trong báo cáo phải nêu rõ lượng chất thải nguy hại phát sinh, công tác lưu giữ, đơn vị vận chuyển và xử lý, biện pháp phòng ngừa sự cố phát sinh, và sẽ không vi phạm như đã nêu trong Quyết định số 3253/QĐ-XPHC.

Chưa làm rõ và xác định công ty có vi phạm đối với việc có đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, điều chỉnh đăng ký chủ nguồn thải nguy hại theo quy định không? (quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 17, Nghị định 117/2009/NĐ-CP).

Chưa làm rõ và xác định công ty có vi phạm đối với việc đăng ký, báo cáo theo quy định với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại quá thời hạn phải xử lý, tiêu hủy trong trường hợp chưa tìm được chủ xử lý, tiêu hủy phù hợp (quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 17, Nghị định 117/2009/NĐ-CP). Mặc dù công ty này lưu giữ chất thải nguy hại quá thời hạn tiêu hủy từ năm 2001 đến nay.

Chưa làm rõ và xác định công ty có vi phạm đối với việc thực hiện đúng khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24 (có chất độc hại đối với sức khỏe người, gia súc, gia cầm) và tại Điểm d, Khoản 2, Điều 24 (phát tán mùi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người).

Như vậy, có thể thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chưa được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa đưa vào trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Nicotex Thanh Thái.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa không công khai hồ sơ liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Nicotex Thái Thanh, để không còn những thắc mắc của dư luận như nêu ở trên? Tại sao bỏ sót những vi phạm đã được quy định rõ ràng trong văn bản luật? Tại sao không làm rõ những sai phạm nghiêm trọng khiến người dân trong khu vực chịu tác động phải "tự phát" điều tra, tìm kiếm các chứng cớ vi phạm?

Có hay không sự "bao che" hay do không đủ "năng lực chuyên môn" của cơ quan quản lý có thẩm quyền?

(Còn nữa)

Trịnh Xuân Báu