- Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm buộc kiểm hóa 100% đối với hàng hóa rượu, bia, thuốc lá và gỗ khi xuất khẩu. Đặc biệt, quy định không hoàn thuế với những lô hàng tái xuất quá thời hạn 365 ngày gần như đã ‘áp đặt’ thời hạn kinh doanh với doanh nghiệp.
‘Công văn lạ’ đi ngược nhiều văn bản luật khác?
Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 13/1, Bộ Tài chính (BTC) đã có công văn số 404/BTC-TCHQ do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, phản hồi sau khi Báo VietNamNet đăng bài ‘Hàng trăm xe gỗ ùn ứ ở cửa khẩu vì công văn lạ’.
Theo đó, BTC cho phép hàng hóa thông quan nhập khẩu sẽ không phải bắt buộc kiểm tra 100% đối với tất cả các lô hàng. Tuy nhiên, đối với hàng hóa tái xuất, công văn tiếp tục giữ nguyên quan điểm buộc phải kiểm hóa 100% lô hàng.
Hàng vạn m3 gỗ đang lưu kho tại các DN sẽ không được thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu?
|
Một nội dung quan trọng khác là việc hoàn thuế với những lô hàng tái xuất quá hạn 365 ngày đã không được BTC đề cập đến.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, yêu cầu mới của BTC không chỉ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hải quan cửa khẩu, mà còn đi ngược với nhiều văn bản pháp luật hiện hành khác, như Luật Hải quan, Nghị định 87 của Chính phủ, Thông tư 128 (BTC).
“Quy định phải kiểm hóa 100% lô hàng khi nhập khẩu và kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi tái xuất là không phù hợp với quy định lâu nay vẫn áp dụng. Luật Hải quan quy định thời gian thông quan cho một lô hàng không quá 8 tiếng, với trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 2 ngày.
Với khả năng và nguồn lực hiện có, việc hải quan thực hiện đúng yêu cầu kiểm hóa 100% lô hàng trong thời gian như trên gần như là không thể”, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội DN Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết.
Việc BTC mới chỉ “sửa”, không “bắt” kiểm hóa 100% khi nhập nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu kiểm hóa 100% lúc tái xuất sẽ tiếp tục khiến các doanh nghiệp điêu đứng và hải quan các cửa khẩu gặp khó.
Ông Trần Phát Đạt nói thêm, lô hàng nhập khẩu về đều có hồ sơ đầy đủ. Khi đưa về nhập kho đều phải vào phiếu nhập kho của cơ quan kiểm lâm sở tại. Và khi xuất đi thì cơ quan kiểm lâm cũng kiểm tra, xác nhận trong hồ sơ xuất kho.
“Chẳng nhẽ những xác nhận của kiểm lâm không có giá trị?”- ông Đạt nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Tài, Phó Chi cục trưởng HQ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, việc bắt buộc phải kiểm hóa 100% mặt hàng gỗ, đối với cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, bến bãi như hiện nay là rất khó khăn. Luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn lâu nay không có quy định này.
“Lâu nay theo quy định quản lý rủi ro (Luật HQ), mặt hàng gỗ thường vào “luồng vàng”, chỉ kiểm hóa 5-10%. Nhưng nay nếu theo chỉ đạo này của Bộ Tài chính thì phải can thiệp vào hệ thống mới thực hiện được. Nếu liên tục can thiệp vào hệ thống thì sẽ không ổn”, ông Tài nói.
Ông Trần Phát Đạt nói thêm: “Nếu để siết chặt quản lý, để đỡ gây khó khăn cho DN thì Bộ Tài chính có thể quy định, khi DN đóng hàng vào container để xuất khẩu thì cho cơ quan hải quan sở tại đến, cùng với kiểm lâm, kiểm tra hồ sơ, thực tế…
Khi đến cửa khẩu thì chỉ kiểm tra thông thường như lâu nay là được. Chứ quy định kiểm hóa 100% tại chỗ tái xuất có thể tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh”.
DN bị ‘áp đặt’ thời hạn kinh doanh?
Một vấn đề nữa khiến nhiều DN khá bức xúc là việc thứ trưởng BTC chỉ đạo không cho DN hoàn thuế đối với các lô hàng tái xuất quá hạn 365 ngày. Trong lúc các văn bản khác thì không quy định như thế.
Thực tế tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, do hải quan sở tại thực hiện chỉ đạo này nên nhiều DN xuất gỗ, khi làm thủ tục xuất tại Chi cục HQ Hồng Lĩnh đã không được hoàn thuế. Như DN Quỳnh Nga, Vân Hà, Tiến Đạt, số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Ngày 21/1/2015, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có văn bản chuyển Bộ Tài chính, đề nghị Bộ này có văn bản trả lời cho Hiệp Hội DN Hà Tĩnh. Trước đó, VPCP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính Phủ về việc tháo gỡ vướng mắc hoàn thuế nhập khẩu sau đó tái xuất. |
Hiện hồ sơ thông quan các lô hàng này đã được cơ quan hải quan làm xong và đang báo cáo Tổng cục HQ, thế nhưng đến nay Tổng cục không trả lời gì cho DN.
Theo ông Trần Phát Đạt, tại khoản 8, điều 112, ông tư 128 của BTC đã quy định rõ “Các trường hợp được xét hoàn thuế”.
Theo đó, đối với hàng hóa ‘tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan’, Thông tư này quy định “trường hợp quá 365 ngày, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hoàn thuế không thu thuế, kiểm tra cụ thể và báo cáo Tổng cục HQ để báo cáo BTC xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể”.
Như vậy, Thông tư 128 quy định những lô hàng tái xuất quá hạn 365 ngày sẽ phải báo cáo Tổng cục HQ để báo cáo BTC xem xét. Tuy nhiên, ‘công văn lạ’ vừa ra của BTC lại quy định không xét hoàn thuế với các trường hợp này.
“Thông tư thì quy định như thế, còn tại Nghị định 87 của Chính phủ thì không nói gì đến thời hạn mà chỉ nêu, mặt hàng này khi tái xuất thì được hoàn thuế. Chỉ đạo của Thứ trưởng BTC gần như đã áp đặt thời hạn kinh doanh cho các doanh nghiệp. Bởi thực tế, trong thời hạn 365 ngày, doanh nghiệp phải vừa sản xuất vừa tìm đối tác đầu ra cho hàng hóa.
Trong khi đó, gỗ là mặt hàng phục vụ sản xuất vốn không chịu thuế lại bị quy vào với rượu, bia, thuốc lá vốn là những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, là vô lý, trái luật.
Quan trọng hơn, đó là Bộ Tài chính lấy cơ sở pháp lý nào để quy định thời hạn 365 ngày, bởi trong các văn bản trước đó không quy định điều này.”, ông Đạt cho biết.
Theo ghi nhận của VietNamNet tại 1 số kho gỗ tại huyện Hương Khê, hiện đang có hàng vạn m3 gỗ tồn kho, trong đó cơ bản là gỗ tồn kho trên 1 năm. Sự tồn kho này là do lâu nay không có quy định nào “bắt” phải bán trong vòng 365 ngày và khó khăn trong tìm đối tác.
Trong trường hợp không được hoàn thuế khi tái xuất thì các DN sẽ bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề hoàn thuế, ông Hoàng Trọng Tài, Phó Chi cục trưởng Hải quan Hồng Lĩnh cho biết, “trên đã chỉ đạo thì phải nghe… Khi đánh giá tầm vĩ mô thì họ (cơ quan chỉ đạo) không sát thực tiễn nên không phù hợp”.
“DN gỗ giờ khó khăn lắm. Từ tháng 5/2014 đến nay không có lô hàng nào xuất qua đây. Năm qua do phía Trung Quốc không mua nên không bán được. Lưu kho 1 thời gian thì quá 365 ngày rồi. DN có vốn thì còn đỡ, nếu vay ngân hàng thì chết”, ông Tài chi sẻ.
Ông Tài thừa nhận, đối với hoàn thuế khi tái xuất, Nghị định 87 của Chính phủ không bắt buộc, thông tư 128 thì chỉ yêu cầu báo cáo Tổng cục HQ khi quá 365 ngày, Luật HQ càng không quy định. Thế nhưng chỉ đạo mới của thứ trưởng thì lại yêu cầu không hoàn thuế.
Khi phóng viên hỏi, “cơ quan hải quan sẽ thực hiện theo văn bản nào”? thì ông Tài trả lời cũng mâu thuẫn “thực hiện theo các văn bản có tính pháp lý cao hơn (Luật, Nghị định, thông tư) nhưng chỉ đạo của thứ trưởng cũng không thể không theo”.
Trong lúc cơ quan thực thi pháp luật vẫn đang “loay hoay”, chưa biết nên làm theo chỉ đạo nào thì rất nhiều DN XNK gỗ đang dở khóc dở cười khi hàng vạn khối gỗ có nguy cơ không được hoàn thuế…
“Công văn 19128/BTC-TCHQ với những quy định mang tính chất hướng dẫn đó đã làm trái các quy phạm pháp luật được quy định bởi Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Việc các đơn vị Hải quan, Thuế chấp hành chỉ đạo theo văn bản này cũng sai, bởi đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, cũng không phải là văn bản áp dụng luật, mà là văn bản mang tính chất hướng dẫn”, Luật sư Lê Hùng, Trưởng VP Luật sư Lê Hùng (Đoàn luật sư Hà Tĩnh) trả lời báo VietNamNet. |
Cao Thái – Duy Tuấn