- Đối đáp lại quan điểm của Viện kiểm sát và các luật sư, 5 luật sư bảo vệ quyền lợi của Vietinbank vẫn giữ nguyên quan điểm khẳng định Vietinbank không có lỗi. Bào chữa cho nhóm bị cáo là cán bộ ngân hàng, nhiều luật sư đưa ra tranh cãi liên quan đến tội danh “vi phạm quy định về cho vay” mà nhóm bị cáo này bị truy tố.
Ngày 30/12, phiên tòa xét xử “đại án” gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.
Luật sư Vietinbank: đề nghị y án
Mở đầu buổi làm việc, luật sư Nguyễn Văn Trung – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank đã phát biểu quan điểm đối đáp lại quan điểm của Viện kiểm sát (VKS) và các luật sư đồng nghiệp.
Các luật sư tại tòa |
Luật sư Trung bác bỏ quan điểm của luật sư ACB khi cho rằng VKS đề nghị hủy một phần bản án liên quan đến hành chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty để xét xử Huyền Như về tội tham ô tài sản, các luật sư chỉ là người bảo vệ cho Vietinbank, không bảo vệ cho Huyền Như nhưng lại đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm này là vi phạm tố tụng. Bởi lẽ, theo luật sư Trung, đề nghị trên của VKS là nhằm buộc Vietinbank phải bồi thường, nghĩa là liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Vietinbank nên các luật sư của Vietinbank mới nêu ý kiến.
Sau khi đưa ra các quan điểm phản bác quan điểm của các luật sư bảo vệ ACB, luật sư Trung cũng đối đáp với quan điểm của VKS liên quan đến khoản tiền 1.085 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty.
Vị luật sư cho rằng chính VKS thừa nhận trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối dẫn dụ 5 công ty chuyển tiền. Hành vi trước là tiền đề của hành vi sau và hành vi sau là hậu quả của hành vi trước, do đó việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là hậu quả của hành vi gian dối, là lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên chứ không phải tham ô tài sản. Từ đó, luật sư Trung đề nghị HĐXX y án sơ thẩm phần liên quan đến nội dung trên.
Cũng bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, luật sư Trương Thị Hòa giữ nguyên quan điểm khẳng định hành vi chiếm đoạt tiền của Như với Công ty bảo hiểm Toàn Cầu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo luât sư Hòa, thời điểm đó Võ Anh Tuấn không còn là Phó giám đốc chi nhánh Nhà Bè, các hồ sơ do Như làm giả, chữ ký giả không thể nói Như không chiếm đoạt tiền của Toàn Cầu mà là chiếm đoạt tiền của Vietinbank.
Tương tự, 3 luật sư còn lại bảo vệ cho Vietinbank lần lượt đưa ra quan điểm cho rằng hành vi của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải hành vi tham ô và đề nghị HĐXX bác đề nghị của VKS, bác kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, y án sơ thẩm.
Tranh cãi tội danh cán bộ ngân hàng
Sau phần các luật sư bảo vệ Vietinbank trình bày quan điểm, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án.
Các bị cáo trước vành móng ngựa |
Bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn – nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, luật sư Phan Trung Hoài tiếp tục đối đáp với quan điểm của VKS. Trước đó, VKS nhận định không có cơ sở chấp nhận ý kiến của luật sư khi cho rằng chứng cứ buộc tội bị cáo Võ Anh Tuấn còn mờ nhạt. Luật sư Hoài phân tích, bản án buộc Võ Anh Tuấn đồng phạm với Huyền Như chiếm đoạt tài sản, nếu Tuấn đồng phạm vậy sao Huyền Như lại phải làm giả hợp đồng, chữ ký của Võ Anh Tuấn?
Sau phần bào chữa trên, luật sư Hoài và một số đồng nghiệp đã dành khá nhiều thời gian đưa ra quan điểm tranh cãi về tội danh đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo luật sư Hoài, tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 179 BLHS quy định về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” chỉ nêu ra 2 trường hợp cụ thể là “cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật” và “cho vay quá giới hạn quy định”. Các bị cáo bị trong vụ án bị truy tố với lý do cho vay không có mặt khách hàng, cho vay không có chữ ký của chủ tài sản đảm bảo và được chiếu theo điểm c là “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng”.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào chính thức giải thích “hành vi khác” trong việc cấu thành tội vi phạm quy định về cho vay ở đây là gì? Ngoài ra, các luật sư cũng đưa ra tranh cãi về hậu quả thiệt trong vụ án. Theo luật sư, thân chủ họ bị truy tố vì vi phạm quy định về cho vay và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp xác định Vietinbank không bị thiệt hại, thiệt hại tại ACB đã được xem xét trong vụ án Nguyễn Đức Kiên. Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét.
M.Phượng