- Công an Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết sẽ gửi văn bản đến TAND cùng cấp nhờ phân xử số tiền 5 triệu Yên Nhật mà người phụ nữ mua ve chai tìm thấy trong một thùng loa cũ. Vụ việc từng gây xôn xao dư luận hơn một năm qua và hiện phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, khó đoán hồi kết. 

Chưa rõ thời hạn bao lâu mới giải quyết 

Mới đây, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1978, ngụ Q.Tân Bình) – người thu mua ve chai, phát hiện 5 triệu Yên Nhật trong một thùng loa cũ cách đây một năm đã cùng luật sư đến làm việc tại công an Q.Tân Bình về vụ việc. Được biết, luật sư và bà Hồng đề nghị công an tạo điều kiện cho bà nhận lại số tiền 5 triệu Yên. 

{keywords}
Bà Huỳnh Thị Ánh Hồng – người tình cờ “nhặt” 5 triệu Yên trong thùng loa cũ khi thu mua ve chai hơn một năm trước

Tuy nhiên, đại diện công an Q.Tân Bình thông báo, do vụ việc có dấu hiệu tranh chấp dân sự nên cơ quan này sẽ gửi công văn sang TAND cùng cấp nhờ phân xử. Phía công an Q.Tân Bình cũng xác nhận với bà Hồng, hiện chưa rõ thời hạn giải quyết vụ việc và sẽ có văn bản trả lời bà Hồng về vấn đề này. 

Được biết vào trung tuần tháng 3/2014, khi bà Hồng tháo rời chiếc loa cũ mua trước Tết Nguyên Đán, bất ngờ phát hiện bên trong có 5 triệu Yên Nhật. Bà Hồng sau đó đã trình báo, giao nộp tiền cho công an để xác minh, làm rõ chủ nhân số tài sản trên.

Hơn 1 năm nay công an đã thông báo truy tìm chủ nhân nhưng chưa có kết quả. Bất ngờ mới đây khi thời hạn 1 năm gần hết, bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn) xuất hiện có đơn cho rằng, số tiền trên là của chồng bà - ông Afolayan Caled (quốc tịch Nam Phi).

Đáng nói số tiền mà bà Ngọt khai báo là 6 triệu Yên chứ không phải 5 triệu Yên. Bà Ngọt cho rằng, trước đây đã đọc báo về vụ việc nhưng không mấy chú tâm.

Mãi đến tháng 3 vừa qua, khi đọc lại tin tức bà sực nhớ ra chuyện trước đây ông chồng bà có nói để quên tiền trong vật dụng nào đó nhưng không nhớ rõ. 

Bà Ngọt khai, đã cùng chồng lục tìm nhiều lần nhưng không thấy số tiền. Mới đây kiểm tra thông tin báo chí thấy gần khớp với số tiền của chồng bà thất lạc nên bà làm đơn gửi công an Q.Tân Bình để được xem xét.

Bà Ngọt cho biết, chồng bà đang trong quá trình gửi các giấy tờ liên quan về Việt Nam để chứng minh mình là chủ nhân số tiền 6 triệu Yên Nhật bị thất lạc. 

Bà Ngọt còn cho biết thêm, cuối năm 2013, trước khi chồng về lại Nam Phi, bà có dọn nhà. Khi ấy bà có cho người anh họ gần nhà một bộ loa mà ông Afolayan Caled hay sử dụng. Sau đó người anh họ này đã bán thùng loa cho một phụ nữ thu mua ve chai (?) 

Có nên cho người phụ nữ ve chai nhận 5 triệu Yên? 

Từ khi tiếp nhận vụ việc vào tháng 3/2014, công an Q.Tân Bình thông báo với bà Hồng thời gian xác minh, xử lý là một năm. Tuy nhiên khi gần hết hạn một năm, với sự xuất hiện tình tiết mới là lời khai của bà Ngọt cho rằng chồng bà là chủ nhân số tiền 5 triệu Yên…thì phía công an cần có thời gian để điều tra thêm. 

{keywords}
Bà Phạm Thị Ngọt – người xuất hiện với tình tiết mới, cho rằng chồng mình là chủ nhân của số tiền

Suốt một năm qua, dư luận khá quan tâm đến vụ việc, bởi nguồn gốc số tiền lớn trên vẫn là bí ẩn, đặc biệt quá lớn đối với người phụ nữ buôn bán ve chai như bà Hồng. Dư luận cũng mong sự việc được giải quyết dứt điểm, phần lớn ủng hộ việc cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho bà Hồng nhận số tiền 5 triệu Yên, bởi quá trình xác minh tình tiết liên quan đến số tiền trên khả năng là cực khó. 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (giám đốc hãng luật Đức Chánh, Q.1) nhận định: TAND Q.Tân Bình không có thẩm quyền giải quyết vụ việc này. Bởi lẽ, theo quy định bộ luật Tố tụng Dân sự, tòa án chỉ thụ lý vụ việc dân sự khi đương sự có đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. 

Về tình tiết xuất hiện của bà Ngọt, nhận chồng mình là chủ sở hữu số tiền, theo luật sư Chánh, bà Ngọt phải cung cấp giấy tờ chứng minh bà và ông Caleb đã kết hôn, được sự chứng nhận hợp pháp của cơ quan chức năng nước ngoài lẫn trong nước. Trường hợp bà Ngọt chưa ghi chú kết hôn thì chưa được công nhận quan hệ vợ chồng và do vậy bà Ngọt không có tư cách làm đơn yêu cầu công an quận Tân Bình xử lý 5 triệu Yên. Chỉ có ông Caleb hoặc được ông ủy quyền cho người khác mới có đủ tư cách đứng ra làm đơn trong vụ việc này. 

{keywords}
Dư luận hiện đang quan tâm đến hồi kết vụ việc 5 triệu Yên

“Về số tiền cho rằng là của mình, ông Caleb phải chứng minh được nguồn gốc, chứng minh được vào khoảng năm 2003 đến 2005, khi ông dạy tiếng Anh tại Nhật Bản đã tạo ra thu nhập hợp pháp với số tiền trên. Sau đó ông này phải chứng minh việc vận chuyển số tiền này từ Nhật Bản về Việt Nam bằng con đường hợp pháp. Nếu không chứng minh được và công an làm rõ, ngoại tệ này chuyển bằng con đường bất hợp pháp vào Việt Nam thì ông Caleb phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo điều 154 bộ luật Hình sự. Lúc này, số tiền sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”, luật sư nhận định.

Ông Chánh cho hay: “Nếu ông Caleb không chứng minh được số tiền 5 triệu Yên là của mình thì số tiền này sẽ được giải quyết cho bà Hồng theo quy định bộ luật dân sự”.

Với tư cách là chuyên gia tư vấn pháp luật, luật sư Chánh có quan điểm cá nhân trong việc xử lý vụ việc: công an nên lập biên bản giao số tiền 5 triệu Yên cho bà Hồng theo quy định bộ luật Dân sự. Bởi lẽ, đến thời điểm hiện nay đã quá một năm theo luật định, bà Ngọt không có tư cách pháp lý để yêu cầu xác định chủ sở hữu. Còn các bên như: bà Ngọt, ông Caleb hoặc người khác cho rằng số tiền 5 triệu Yên này là của mình thì có quyền khởi kiện bà Hồng tại TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định. 

Anh Sinh