- Hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) trả kết quả xét nghiệm giả, vụ việc gây chấn động ngành y tế và làm dư luận dấy lên sự phẫn nộ tột cùng.


Thật kinh khủng!

Từ tháng 7/2012 - tháng 5/2013, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) đã nhân bản hơn 1.000 kết quả xét nghiệm máu để trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân.

Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều có chung một kết quả xét nghiệm.

Vụ việc đã gây chấn động ngành y tế, khiến dư luận không khỏi hoang mang và phẫn nộ.

Bạn đọc Nguyễn Văn Nghĩa đã phải thốt lên: "Thật là không còn gì để nói. Bây giờ người ta sẵn sàng bán tất cả mọi thứ để có tiền, kể cả nhân phẩm, lương tâm, tự trọng".

{keywords}

Phòng lấy bệnh phẩm, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức

"Thật kinh khủng! Không thể tưởng tượng nổi có thể tồn tại giữa thủ đô một bệnh viện như vậy. Những vị này không có y đức, không có tình thương đồng loại, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền truy tố trách nhiệm tới cùng để làm trong sạch ngành y", anh Ngô Đức Tuấn bức xúc.

Gay gắt hơn, bạn đọc ở địa chỉ huutho732@... viết: "Trên cả vô cảm! Gọi đúng tên có thể nói là bất nhân, họ đã trục lợi trên chính tính mạng của bệnh nhân!".

Tất cả độc giả đều cho rằng hành vi của Bệnh viện Hoài Đức là không chấp nhận được. Xét nghiệm máu là khâu quan trọng đầu tiên để căn cứ vào đó chẩn đoán, điều trị bệnh. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu khi hàng trăm người có thể chết oan uổng?

"Nếu người bị HIV nhận kết quả xét nghiệm giả âm tính và ngược lại người khỏe mạnh nhận kết quả dương tính HIV thì chuyện gì sẽ xảy ra!", chị Lan Anh đặt tình huống.

Tuy nhiên, nhiều độc giả thắc mắc, tại sao vụ việc kéo dài trong suốt gần 1 năm như vậy mà không bị phát hiện? Thanh tra Bộ Y tế ở đâu? Tại sao chỉ đến khi người trong cuộc tố cáo mới phát hiện sai phạm? Giám đốc bệnh viện có vai trò gì mà lại không hay biết?

Ví von một cách hài hước, thành viên Mebibo trên Webtretho cho rằng "Chuyện này chỉ có thể xảy ra ở xứ lừa, họ đã biến những người dân thành lừa".

Tỏ rõ sự thất vọng về y đức của một bộ phận y, bác sĩ, bạn đọc Lệ Chi kết luận vụ việc này như một giọt nước tràn ly. Sự băng hoại về đạo đức ở một ngành được xã hội coi trọng đã khiến người dân mất niềm tin hoàn toàn. Đây là lý do vì sao người dân kéo nhau ra nước ngoài chữa bệnh.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhiều độc giả đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, cần thiết có thể khởi tố hình sự. Bản thân Bộ Y tế phải có khen thưởng xứng đáng cho người dám đứng lên tố cáo vi phạm.

"Không thể chỉ kết luận 1-2 người vi phạm rồi lại kiểm điểm, chuyển công tác. Nên đóng cửa bệnh viện, kỷ luật cả ban giám đốc bệnh viện vì tắc trách trong quản lý chuyên môn", bạn đọc Bình Phạm nêu ý kiến.

Không phải là cá biệt

Sau vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, không ít bạn đọc cho biết mình cũng từng là nạn nhân tại nhiều bệnh viện khác.

Anh Đoàn Văn Các khẳng định kết quả siêu âm tại nhiều bệnh viện cũng thường xuyên bị lấy chung một kết luận.

"Bản thân tôi cũng đã từng bị như vậy song chúng tôi không có đủ nghiệp vụ và bằng chứng cụ thể để phanh phui nên chỉ biết im lặng và tìm đến nơi nào cảm thấy tin cậy theo sự suy đoán của riêng mình", bạn đọc này cho biết.

Nêu trường hợp của bản thân, chị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết 2 lần chị làm xét nghiệm tại 2 bệnh viện nhưng cho 2 kết quả khác nhau. Một lần nhóm máu B, một lần nhóm máu O. Cơ quan chị cũng có vài người bị như vậy và giờ không biết mình thuộc nhóm máu nào.

Thành viên hoabocapvang trên webtretho cũng cho biết: "Mẹ mình cắt túi mật từ chục năm nay, khi nào siêu âm bác sĩ cũng biết là không còn túi mật. Vậy mà đi khám ở một bệnh viện Quân y nọ, bác sĩ ghi "Túi mật không sỏi, vách mỏng...". Mẹ bị gan nhiễm mỡ nặng thì đợt này lại không thấy.

Hỏi lại bác sĩ, bác sĩ bảo "bà vào tôi siêu lại". Xong bác ấy ghi "Túi mật đã cắt", "gan nhiễm mỡ" rồi đưa lại và bảo "bà nói đúng đấy, bà đã cắt túi mật và gan nhiễm mỡ nhé!"...

Bạn đọc Minh Quang cho rằng, để xảy ra những sai sót trên, chỉ có phần nhỏ do chuyên môn kém, phần còn lại là cố tình làm qua loa để trục lợi.

Độc giả Đàm Huy còn chỉ rõ: "70% bệnh viện vì lợi nhuận, 20% bệnh viện làm cho có và 10% còn lại là vì mục đích chữa bệnh thực sự".

Việc từ một kết quả xét nghiệm rồi nhân bản đưa cho nhiều người sẽ giúp bệnh viện thu được lượng tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công.

Củng cố thêm lập luận trên, thành viên Mebibo trên webtretho nêu thực tế: "Ở bệnh viện nơi mình đăng ký khám chữa bệnh BHYT cũng vậy. Năm trước, hễ có ốm đau gì, từ đau mắt, đau bụng, ho, sốt... cái gì cũng bắt con người ta đi lấy máu xét nghiệm. Trong khi cũng bệnh đó mình đi tuyến trên thì không cần. Bức xúc mà không biết nói với ai".

"Ngành y tế có quá nhiều sai sót liên tiếp trong những năm vừa qua, từ vắc-xin 5 trong 1 đến viêm gan B. Sau vụ này, Bộ Y tế nên chấn chỉnh lại, không thể nói "đúng, tốt" mãi được. Y đức đang là cái gì đó quá xa vời với người dân. Hãy để dân tin tính mạng mình còn được coi trọng", bạn đọc ở địa chỉ thanhngan29@... nhắn nhủ.

M.Anh (tổng hợp)