Nữ sinh ngành Văn học và Báo chí tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã đưa ra cáo buộc sai trái về việc "quay lén". Sự nhầm lẫn của cô khiến một người đàn ông vô tội phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng.
Những tuyên bố vô căn cứ của cô bắt nguồn từ sự cố trên tàu điện ngầm ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Khi nhìn thấy người đàn ông ngồi xổm gần đó và sử dụng điện thoại, nữ sinh nghi ngờ ông đang bí mật quay lén mình.
Sau đó, cô yêu cầu người đàn ông cho cô xem bộ sưu tập ảnh của anh. Mặc dù không tìm thấy gì, cô vẫn tiếp tục cảnh báo ông: "Hãy cẩn thận. Đừng quay lén người khác".
Dù không tìm được bằng chứng cho thấy người đàn ông quay lén mình, cô vẫn chia sẻ bài đăng lên mạng xã hội với nội dung: "Với những động tác khéo léo và hành vi đáng xấu hổ như vậy, có vẻ như ông già đáng sợ này không phải lần đầu phạm tội".
Nhiều bình luận sau đó cho rằng, người đàn ông vô tội và nữ sinh đang vu oan cho ông. Sau khi phải đối chất với các bình luận trên mạng, cô nhấn mạnh: "Nếu ông ấy không chụp bất kỳ bức ảnh nào, tại sao không tự mình lên tiếng?".
Vụ việc thậm chí còn thu hút sự chú ý khi một chàng trai họ Deng, được cho là con trai của người đàn ông, trong câu chuyện lên tiếng.
"Cha tôi chỉ là công nhân nhập cư. Do trời mưa, ông không có việc ở công trường nên đã đi khắp Quảng Châu, Trung Quốc. Ông không ngờ điều này lại xảy ra trên đường trở về trên tàu điện ngầm", Deng nói với Qilu Evening News.
Tin tức về vụ việc nhanh chóng lan truyền và trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội vài ngày qua.
Trên nền tảng video Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, hashtag (một từ hay cụm từ viết liền được đặt sau dấu #) liên quan đến vụ việc đã thu hút hàng triệu lượt xem.
Ngoài ra, trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, một số thẻ bắt đầu bằng # đã xuất hiện, thu hút hơn 2 tỷ lượt xem.
Trước sự chỉ trích gay gắt của dư luận và hình phạt có thể xảy ra từ nhà trường, 4 ngày sau vụ việc, nữ sinh này đã đưa ra lời xin lỗi.
Cô đăng tải: "Đáng lẽ tôi không nên phát tán video lên mạng và đưa ra những bình luận không phù hợp về người khác".
Con trai của nạn nhân chấp nhận lời xin lỗi và nói: "Cô ấy là sinh viên đại học, trong khi chúng tôi là những người lao động nhập cư. Cô ấy có trình độ học vấn cao hơn và nếu cô ấy phạm sai lầm, chúng ta nên cho cô ấy cơ hội sửa sai".
Tuy nhiên, những lời chỉ trích từ dân mạng vẫn tiếp tục đả kích nữ sinh.
Nhiều bình luận như: "Đây là hình thức bắt nạt trực tuyến trắng trợn", "Đây rõ ràng là cuộc chiến không công bằng. Một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí và tham gia vào cuộc chiến trực tuyến với người đàn ông lớn tuổi, người thậm chí có thể không biết cách sử dụng điện thoại thông minh".
"Trong tương lai, nếu cô ấy trở thành người nắm quyền kiểm soát các diễn đàn trên phương tiện truyền thông, chúng ta phải tìm những tin tức đáng tin cậy ở đâu?", một người khác bức xúc.
Một người quan sát trực tuyến có bình luận thu hút 27.000 lượt thích cho biết: "Có rất nhiều camera ẩn vẫn hoạt động trong bóng tối, nhưng đáng kinh ngạc khi một cáo buộc sai sự thật ngay lập tức trở thành chủ đề nóng. Có vẻ toàn bộ Internet đang háo hức "săn lùng" phụ nữ".
Theo Dân trí