LTS: Không có nghề nghiệp ổn định nhưng Trương Thị Lan Anh nói dối là làm Trưởng Ban QLDA Tập đoàn Dầu khí tại Quảng Bình, có người thân làm việc ở Trung ương, quen biết nhiều, có thể “chạy” dự án, xin biên chế, chuyển vị trí công tác… khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp sập bẫy. Khi biết sẽ bị điều tra, xét xử, Lan Anh đã kịp mang bầu rồi lần lượt sinh 2 đứa con để hoãn thi hành bản án 16 năm tù. Từ năm 2018 đến nay, đối tượng đã 6 lần mang thai nhưng… không đẻ nhằm mục đích tại ngoại. Thời gian gần đây, Lan Anh đã rời Quảng Bình ra Hà Tĩnh tiếp tục hành vi lừa đảo.
Thời gian qua, dư luận không khỏi ngạc nhiên về việc Trương Thị Lan Anh (SN 1988, trú tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) sử dụng 6 phiếu siêu âm mang thai để xin hoãn thi hành bản án 16 năm tù. Vấn đề đặt ra là sản phụ đó có phải Trương Thị Lan Anh hay là 'người đóng thế' nào khác?
Trao đổi với P.V VietNamNet, bác sĩ Trần Đăng An, Phó giám đốc BVĐK TP Đồng Hới cho biết, trường hợp đi khám bảo hiểm, ngoài việc có thẻ, đòi hỏi phải xuất trình CMND/CCCD nên kiểm soát được thông tin của người đi khám. Phải đúng thông tin thì Bảo hiểm mới chịu cho giám định, nếu không sẽ bị xuất toán tiền khám.
"Còn đối tượng thu phí, họ khai thế nào thì mình ghi như thế. Họ yêu cầu thì mình phục vụ, hỏi kỹ thông tin cũng chẳng để làm gì, pháp luật cũng không yêu cầu, hơn nữa không thuộc thẩm quyền của bệnh viện" - bác sĩ An thông tin.
Nói về phiếu siêu âm ghi ngày 26/3/2018, cấp cho Trương Thị Lan Anh, bác sĩ Trần Đăng An khẳng định, phiếu siêu âm trên do bệnh viện cấp, chữ ký của bác sĩ Hạnh là đúng, còn người đến khám là ai thì không thể biết được.
Tương tự, chuyên viên phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Nguyễn Thị Như Hoa cho hay, lâu nay bệnh nhân thuộc diện thu phí, bệnh viện không yêu cầu xuất trình căn cước công dân.
“Trong Luật Khám chữa bệnh có quy định tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân, vì thế bệnh viện không được phép đi sâu tìm hiểu có đúng là họ hay không. Khám chữa bệnh trên tinh thần tin tưởng bệnh nhân, chúng tôi không có quyền thâm nhập để điều tra được”, Chuyên viên phòng Kế hoạch tổng hợp khẳng định.
Cũng theo vị cán bộ này, qua kiểm tra trên phần mềm quản lý của bệnh viện thấy có lưu 4 lần Trương Thị Lan Anh đến khám. Giấy đó do bệnh viện cấp, các chữ ký là của các bác sĩ, tuy nhiên, sản phụ đó có phải là Lan Anh thật hay không thì bệnh viện không kiểm chứng được.
Còn bác sĩ chuyên khoa II Lê Ngọc Bích, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình thông tin, một người đến khám siêu âm thai theo diện không bảo hiểm, họ có thể không xuất trình bất kỳ giấy tờ liên quan nào, chỉ cần nộp tiền khám thì bệnh viện phải khám cho họ. Bệnh viện không biết việc họ phạm tội hay không, còn nếu dùng kết quả siêu âm làm hồ sơ để hoãn thi hành án thì phải xác minh lại.
“Một ngày chúng tôi khám bình quân 500 người, khám thai thì vài chục người nên không kiểm soát hết đối tượng không bảo hiểm. Chỉ khi công an, toà án, viện kiểm sát có giấy tờ yêu cầu bệnh viện làm rõ, lúc đó chúng tôi sẽ có một quy trình riêng, chặt chẽ và chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bác sĩ Lê Ngọc Bích khẳng định.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, muốn hoãn thi hành án thì phải có tài liệu của y tế trên cơ sở phải đưa người đó đi khám, còn để họ tự đi khám là không đúng quy định. Việc này thuộc trách nhiệm của toà án, để biết có thai hay không thì phải đưa đi giám định. Khi đó bệnh viện sẽ thành lập hội đồng để khám trước sự có mặt của toà án, công an, viện kiểm sát, "ba mặt một lời, người thật việc thật".
Trái ngược với quan điểm của các bệnh viện, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ Thi hành án hình sự, TAND tỉnh Quảng Bình cho rằng, toà chỉ căn cứ vào các tài liệu của các cơ quan tổ chức có xác nhận đóng dấu đúng tên, đúng tuổi, đúng địa chỉ người mình đang thực thi, toà không có chức năng kiểm tra trực tiếp chuyện khám thai.
Khi P.V đặt câu hỏi, họ đi khám thai nhưng cơ quan chức năng không có mặt thì lấy gì để đảm bảo sản phụ đó là Trương Thị Lan Anh mà không phải là người khác? Ông Nghĩa cho biết, đối với trường hợp có thai, toà căn cứ vào giấy khám thai định kỳ của các cơ quan có thẩm quyền như bệnh viện cấp huyện trở lên. Toà không có trách nhiệm phải đưa đối tượng đến viện.
Lý giải về việc phía bệnh viện khẳng định giấy của bệnh viện cấp nhưng không xác nhận sản phụ đó có phải là Trương Thị Lan Anh hay không? Ông Nghĩa cho rằng "cái đó thì toà... cũng chịu". Toà là cơ quan chuyên môn nên chỉ tiếp nhận, giải quyết trên cơ sở tài liệu mà các cơ quan tổ chức xác định.
PV đặt vấn đề, phiếu siêu âm chỉ được chấp nhận để hoãn thi hành án khi có cơ quan chức năng tham gia giám sát. Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ Thi hành án hình sự TAND tỉnh Quảng Bình cho rằng, luật không quy định toà phải làm chuyện đó, không có văn bản hướng dẫn là phải đi giám sát.
"Miễn rằng có kết quả của các cơ quan có thẩm quyền là mình thực hiện, nếu họ sai thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - lời ông Nghĩa.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, trường hợp nếu gian dối mà phát hiện ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về việc sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và phải chịu trách nhiệm hình sự bằng một vụ án mới.
Khi PV thắc mắc, phiếu siêu âm sản ghi ngày 26/3/2021 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới không có chữ ký của bác sĩ sao vẫn được chấp nhận? Ông Nghĩa cho rằng: “Có khi bác sĩ nhiều việc họ không ký mà chỉ in ra. Chuyện khám thai định kỳ thì cũng bình thường, không phải là nghiêm trọng, có nhiều người không cần lấy phiếu”.
Trước câu hỏi, từ trường hợp cụ thể là Trương Thị Lan Anh sau 6 lần cung cấp hồ sơ mang thai nhưng không sinh con, toà có rút được kinh nghiệm, hay đề xuất gì không? Ông Nghĩa không trả lời thẳng vào câu hỏi mà né tránh: “Người ta đã cố tình thì rất dễ qua mắt các cơ quan chuyên môn. Ở đây không làm được thì vào Huế làm, bệnh nhân khám định kỳ không nhẽ bệnh viện từ chối khám”.