- Cho rằng cấp sơ thẩm quy kết nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vifon cùng cấp phó đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoản tiền 3,6 tỷ đồng nhưng chưa làm rõ nên Viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên hủy một phần bản án.
Ngày 14/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon đã kết thúc phần xét hỏi, chuyển qua phần tranh luận.
Vị đại diện VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ án.
Các bị cáo tại tòa |
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) và bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Tổng giám đốc), tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với hai bị cáo để điều tra xét xử lại.
Đối với tội danh "tham ô tài sản" của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, VKS nhận định những gì bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ nên đề nghị tòa bác đơn kháng cáo kêu oan đối với tội danh này của bị cáo, giữ nguyên hình phạt 20 năm tù.
Tương tự, công tố viên cũng đề nghị bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Bi về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", y án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Bi mức án 15 năm tù về tội danh trên.
Các bị cáo còn lại, VKS đề nghị bác đơn kháng cáo, giữ nguyên hình phạt.
Tại tòa, trong phần bào chữa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Huyền cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi xác định Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự (bên bị thiệt hại - PV) trong vụ án.
Tại phiên sơ thẩm, chính đại diện Bộ Công thương đã từ chối là nguyên đơn dân sự trong vụ án và tự động bỏ về.
Vậy tài sản Nhà nước mà cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Huyền đã chiếm đoạt do ai chịu trách nhiệm?
Vị luật sư này cũng cho rằng quá trình điều tra việc xử lý vật chứng trong vụ án chưa đúng nên đề nghị tòa tuyên hủy toàn bộ bản án.
Tham gia bào chữa, các luật sư còn lại cũng tập trung tranh luận về vấn đề chủ sở hữu quỹ phúc lợi của Công ty Vifon, tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công thương và Bộ Tài chính, vấn đề tham gia vốn trong các giai đoạn cổ phần hóa của Công ty Vifon và đề nghị tòa xem xét.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
M.Phượng