Để lan toả niềm yêu thích công việc làm vườn đến nhiều người, chị đã chia sẻ cách trồng cà chua cho nhiều quả ngon và sạch.
Ươm giống cà chua
Chị Hà cho biết, hạt cà chua trước khi ươm được ngâm trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh) trong khoảng 8 tiếng đồng hồ. Riêng cà chua bạch tuộc chị ngâm từ 20 - 24 tiếng. Sau đó chị bỏ hạt vào khăn xô, khăn bông mỏng ẩm, khi hạt nứt đầu rễ trắng thì ươm ra đất.
Chị chọn đất sạch, ươm hạt vào khay bằng xốp, phun ẩm hàng ngày, để trong mát. Khi được 2 lá mầm, chị chuyển khay đến chỗ có ánh nắng nhẹ. Cây được 4 lá mầm, chị chuyển ra cốc ươm.
Đất trong cốc ươm bao gồm đất sạch, phân trùn quế, phân dơi, đá trân châu trắng xốp. Khi cây cao tầm 5 - 7cm, chị cho vào mỗi cốc 3 viên phân gà Hà Lan và tưới nước hàng ngày. Trong quá trình phát triển chị tưới thêm dịch chuối, phân cá thật loãng 5 - 7 ngày/lần.
Đất trồng cà chua
Theo chị Hà, đất đã qua sử dụng cần phải xử lý bằng cách: Trộn tinh vôi, bột đậu tương với đất và để từ 7 - 10 ngày. Khi ủ nên phủ kín tạo nhiệt giúp xử lý đất tốt hơn. Sau đó hòa thuốc trị nấm Ridomin hoặc BIO-B theo tỷ lệ tưới đẫm ướt đất và để thêm tầm 2 ngày.
Quá trình trộn đất để trồng cây nên sử dụng phân NPK, phân trùn quế, trấu hun dở, phân dơi hoặc (bò, gà…) đã qua xử lý. Nếu sử dụng phân chuồng chưa qua xử lý rất hay bị con sùng đất ăn rễ cây.
Trồng cà chua
Cây giống cà chua thường có chiều cao khoảng 20cm. Vì vậy, khi đem đi trồng chị Hà sẽ đào hố sâu để hạ cây nhưng không lấp hết đất lên thân cây, trong quá trình cây phát triển chị sẽ vun gốc dần.
Để cây có dinh dưỡng, đối với giống cà chua vô hạn chị Hà thường chôn cá và chuối quanh gốc cây. Khi cây hạ được 5 - 7 ngày chị bới cá và chuối lên, tiếp tục rải một lớp mỏng phân vi sinh học Trichoderma xuống dưới, sau đó đặt cá và chuối chín lên rồi lấp đất.
Chăm sóc cà chua
Trong quá trình cây phát triển không nhất thiết phải tưới bổ sung nhiều phân cho cây vì đất trồng đã trộn đủ dinh dưỡng, chỉ cần bổ sung khi cây ra hoa và đậu quả. Khi cây bắt đầu ra hoa, đậu quả chị Hà khuyên người làm vườn nên tưới bổ sung phân rác ủ (gồm bánh dầu, vỏ dứa, bột đậu tương, tritrodma, chuối chín và các loại bã ép rau củ quả), dịch chuối 3 - 5 ngày 1 lần, hòa loãng hơn so với định lượng.
Tưới thêm phân bón lá siêu Canxi- Bo 7 - 10 ngày/lần (tưới gốc hoặc phun), tưới hoặc rải phân gà Nhật hoặc Hà Lan quanh gốc.
Khi quả xanh bắt đầu chuyển dần sang chín, tưới bổ sung phân trứng sữa 3 - 5 ngày/lần và luân phiên giữa các loại dinh dưỡng.
Khâu tỉa nhánh, để hoa
Chị Hà cho biết, tùy từng giống cà sẽ có cách để nhánh và hoa khác nhau:
Đối với cà chua bạch tuộc nên để một thân chính, cách giàn 20 - 30cm. Lưu ý chọn nhánh khỏe để lên giàn (các nhánh và hoa từ gốc sẽ bỏ). Sau khi lên giàn để hoa và nhánh phát triển tự nhiên rồi mới tỉa bớt một số nhánh còi không có khả năng nuôi quả.
Với các giống cà chua khác thì để một thân chính, khi cây tầm 70cm sẽ để 2 - 3 nhánh khỏe và bắt đầu để hoa.
Phòng bệnh cho cà chua
Để phòng bệnh cho cây cà chua hiệu quả, chị Hà thường pha thuốc trị nấm Ridomil, Bio-B và phun định kỳ. Ngoài ra chị còn dùng phân vi sinh học Trichoderma pha loãng tưới gốc 3 lần trong thời gian trồng.
Từ việc đầu tư, chăm chút không quản ngại khó khăn kể trên, chị Hà đã có cho mình khu vườn sân thượng đẹp mê mẩn. Thời gian gần đây, giàn cà chua trên sân thượng của gia đình chị Hà đang khiến dân tình xuýt xoa bởi trái sai lúc lỉu và rất bắt mắt.
Linh Trang
Ông bố Hà Nội chi 200 triệu đồng mang 10 tấn đất làm vườn sân thượng
Anh Khải tính toán tổng chi phí đầu tư cho khu vườn không dưới 200 triệu đồng. Làm vườn trên sân thượng là "một tiền gà, ba tiền thóc" nhưng ông bố này vẫn chịu chi để có rau sạch cho gia đình ăn.