Tuy chưa từng qua đào tạo hay tập huấn về thông tin cơ sở và gặp nhiều khó khăn, nhưng chị Nguyễn Thị Von Ga đã vượt qua tất cả, để kịp thời đưa các thông tin thiết yếu đến cho người dân thị trấn Cầu Ngang (Trà Vinh).
Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người làm công tác thông tin cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Von Ga, hiện đang là Phó Ban tuyên giáo, văn hoá, thể dục thể thao và truyền thanh tại UBND thị trấn Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh.
Đây là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của huyện Cầu Ngang, với 1.698 hộ dân, 5.622 nhân khẩu. Thị trấn có 3 khóm chia thành 17 tờ bản đồ để quản lý.
Năm 2020, chị Von Ga bắt đầu đảm nhận công tác truyền thanh của thị trấn, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù, lúc này chưa được đào tạo hay tập huấn về công tác truyền thanh, thế nhưng với sự cấp thiết của công tác tuyên truyền cho người dân biết cách phòng chống dịch đúng cách và hiệu quả nhất, chị Von Ga nhanh chóng tập trung hết tâm huyết về công tác này.
Tuy nhiên, vừa nhận nhiệm vụ chị đã gặp vô vàn khó khăn, khi Đài truyền thanh của thị trấn chỉ vỏn vẹn có một cái âm ly, một micro và 3 cụm loa ở 3 khóm và tất cả đều đã cũ, xuống cấp.
Để sớm truyền tải thông tin đến được với người dân, chị Von Ga nhanh chóng bắt tay vào việc bằng cách cho sửa chữa ngay các thiết bị này. Do thiết bị quá cũ, thợ phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần mới sử dụng được.
Ngay sau đó, chị đã tiến hành chương trình phát thanh để cập nhật các thông tin về công tác phòng dịch của tỉnh, các kế hoạch thực hiện, cũng như các quy định mà huyện yêu cầu người dân phải tuân thủ.
Đồng thời, hướng dẫn người dân phòng dịch một cách hiệu quả nhất, như việc thực hiện “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng lúc bấy giờ.
Mặc dù thiết bị cũ và xuống cấp, nhưng chị Von Ga cho biết thật may mắn khi nó đã hoạt động xuyên suốt trong chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 mà chị thực hiện.
Đến năm 2021, Đài truyền thanh của thị trấn Cầu Ngang được trang bị hệ thống loa truyền thanh thông minh với 9 cụm 18 loa được trải dài khắp thị trấn.
Sau khi nhận bàn giao trang thiết bị mới, chị Von Ga vẫn trăn trở, làm thế nào để sản xuất các chương trình truyền thanh để phát sóng cho bà con hàng ngày một cách đa dạng; Nội dung chương trình làm sao phải phong phú và truyền tải được những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các nội dung thiết yếu đến người dân một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, dù là một cán bộ phụ trách truyền thanh, nhưng chị chưa trải qua một chương trình đào tạo hay tập huấn nào về chuyên môn nghiệp vụ, cho nên chị phải liên tục suy nghĩ và đặt ra câu hỏi, phải bắt đầu từ đâu để có các nội dung, thông tin mới cho chương trình phát thanh đảm bảo các tiêu chí đã đặt ra.
Để trả lời cho câu hỏi của mình, chị Von Ga đã chủ động kết hợp với các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện và địa phương… để thu thập thông tin, thực hiện các bài viết về phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh cũng như tuyên truyền về các chính sách xoá đói, giảm nghèo đến người dân.
Đặc biệt hơn, chị còn kết hợp với Công an thị trấn đưa các chương trình tuyên truyền pháp luật để người dân tuân thủ như phòng chống ma tuý, các tệ nạn xã hội…
Ngoài ra, Đài truyền thanh của thị trấn còn đưa các thông tin phổ biến kiến thức như: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, cải cách hành chính…
Bằng nỗ lực vượt khó của mình, đến nay, chị Von Ga đã tiến hành phát thanh ngày 2 lần với thời lượng chương trình từ 20-30 phút trên Đài truyền thanh thị trấn Cầu Ngang, bình quân trong tháng có hơn 60 tin và hơn 10 bài viết với khoảng 60.000 lượt người nghe.
Để công tác truyền thanh được tốt hơn, chị Von Ga mong muốn trong thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ tốt công tác truyền thanh đến nhân dân.
Mặt khác, cũng cần có các khoá tập huấn, đào tạo về chuyên sâu nghiệp vụ về công tác truyền thanh, thông tin cơ sở, để cán bộ truyền thanh sản xuất ra các chương trình tốt hơn, hay hơn, góp phần thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ chính trị của địa phương đến người dân.
Bài 5: Nữ cán bộ 'đài xã' và sáng kiến 'Tiếng loa học bài'