Bán đảo Sơn Trà được nhiều người biết đến như một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng, nơi đây sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo nổi tiếng như đỉnh Bàn Cờ, chùa Linh Ứng...
Nhờ sở hữu nhiều cảnh quan nổi tiếng, bán đảo Sơn Trà thu hút được một lượng lớn khách du lịch ghé thăm mỗi năm. Thế nhưng theo thống kê của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tại đây đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết (đều là nữ), 3 người bị thương. Các nạn nhân là nữ, lưu thông bằng xe tay ga.
Cung đường nguy hiểm, người lái thiếu kinh nghiệm
Sở dĩ cung đường lên bán đảo Sơn Trà thường xuyên xảy ra tai nạn là do đường có độ dốc lớn (10-21%), nhiều khúc cua tay áo gắt... Tại đây có 9 "điểm đen" dễ xảy ra tai nạn với người đi xe máy, theo phóng viên của Zing.vn ghi nhận hầu hết tuyến đường lên núi Sơn Trà đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bảng báo nguy hiểm được dựng tại đường lên đỉnh núi Sơn Trà. |
Bên cạnh những yếu tố tự nhiên, sự thiếu kinh nghiệm từ người lái cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Hầu hết người điều khiển xe máy khi đổ đèo thường giảm tốc độ bằng cách rà cả phanh trước và sau của xe trong suốt quá trình xuống dốc, hành động này vô tình khiến cho hệ thống phanh nóng dần lên và tới một nhiệt độ nào đó hệ thống phanh sẽ hoàn toàn mất tác dụng.
Làm cách nào để đổ đèo an toàn bằng xe máy?
Ngoài việc sử dụng phanh trước và sau, xe máy còn có thêm một loại phanh nữa mà ít nhiều người biết đến, đó chính là phanh động cơ. Phanh động cơ là việc sử dụng sức ghì của động cơ để làm giảm vòng quay của bánh sau, từ đó giúp hãm tốc độ của xe mà không cần phải sử dụng phanh trước và sau.
Đối với xe số thông thường như Honda Wave, Yamaha Sirius... người điều khiển chỉ cần trả về số thấp khi muốn phanh bằng động cơ, số càng thấp thì lực phanh động cơ càng lớn. Thông thường, khi lên dốc bằng số nào thì lúc xuống dốc cũng nên sử dụng số đó, nếu muốn an toàn hơn người lái có thể về thêm một số nữa.
Những dòng xe côn tay như Yamaha Exciter hay Honda Winner cũng có thể sử dụng phanh động cơ bằng cách làm tương tự xe số thông thường. Cần lưu ý tuyệt đối không được âm côn (cắt côn) trong suốt quá trình đổ dốc, việc âm côn sẽ khiến cho lực ghì của động cơ không thể tác động lên bánh sau và sẽ khiến cho xe trôi tự do xuống dốc.
Đi phượt bằng xe tay ga tuy không phổ biến nhưng vẫn được rất nhiều người sử dụng vì khả năng linh hoạt cũng như đem theo được nhiều hành lý. |
Xe tay ga có cấu tạo khác với xe số thông thường ở hệ thống truyền động, nếu như xe số thông thường cho phép người điều khiển trả về số thấp để phanh bằng động cơ thì xe tay ga lại không thể làm được điều này.
Xe tay ga vì vậy được cho là nguy hiểm hơn khi sử dụng trên đường đèo núi. "Nếu đi thì phải đi xe số, phải là người biết cách vào số, lên dốc và xuống dốc phải đi số nhỏ”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.
Tuy nhiên, xe tay ga vẫn có thể vận hành tốt trên đường đèo núi. Vậy làm cách nào để "kích hoạt" hệ thống phanh động cơ này trên xe tay ga?
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km, nơi đây được ví như "lá phổi xanh" của TP Đà Nẵng. |
Đầu tiên hãy cố gắng duy trì vận tốc của xe cao hơn 15 km/h. Tại sao lại phải duy trì vận tốc của xe trên tốc độ đó? Vì xe tay ga sử dụng hệ thống truyền động dạng côn văng, nghĩa là khi đạt tới ngưỡng tốc độ nào đó các lá bố trong bộ bố ba càng sẽ bung ra giúp truyền lực giữa động cơ và bánh xe với nhau.
Việc tiếp theo cần làm là vặn nhẹ ống ga. Nghe thì có vẻ không đúng, nhưng thực tế hành động vặn ga giúp cho các lá bố bung ra giúp động cơ và bánh xe được truyền lực với nhau, người lái sẽ cảm nhận được xe bị ghì nhẹ lại khi các lá bố được bung ra.
Khi đã cảm nhận được hãy nhả ống ga ra, động cơ sẽ ghì bánh xe lại tương tự cách phanh động cơ trên xe số. Bằng cách giảm tốc này, người điều khiển xe tay ga có thể hạn chế hơn việc sử dụng phanh khi đổ đèo.
Chỉ nên chạy xe trong khả năng cho phép của bản thân. |
Tất nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là kỹ năng lái xe. Người lái cần biết cách giữ làn đường, phán đoán góc cua, cách vào cua, phanh khẩn cấp...
Việc hãm tốc độ để đổ đèo ở xe tay ga cũng khó hơn so với xe số, vì vậy tốt nhất nên sử dụng xe số để chạy đường đèo núi, vừa dễ điều khiển hơn, vừa chủ động được về tốc độ và an toàn hơn.
Quan trọng nhất với người cầm lái là biết được khả năng của mình. Nếu là tay lái mới, thiếu kinh nghiệm đi đường đèo núi, thì dù dùng xe ga hay xe số, cũng nên chạy ở tốc độ chậm, dễ dàng kiểm soát xe, và giảm tốc độ trước khi vào cua.
Đối với các đoàn "phượt", đừng cố gắng chạy theo những xe trong đoàn, mà hãy chạy xe đúng với tốc độ và khả năng của mình. Những người có kỹ năng tốt có thể vào cua ở tốc độ cao hơn nhiều so với những người có kỹ năng lái xe kém hơn và không có kinh nghiệm chạy đèo núi, nếu cố gắng đuổi theo những người chạy giỏi, những tay lái non sẽ rất dễ gặp tai nạn đáng tiếc.
Theo Zing
Trước khi đi phượt bằng xe máy cần trang bị những món đồ gì?
Những kỳ nghỉ dài ngày sẽ là thời điểm thích hợp cho những chuyến phượt bằng xe máy. Sau đây là những trang bị cần thiết cho một chuyến đi phượt an toàn.