Chi 12,2 tỷ USD mua nông sản Việt

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta trong năm 2023 đạt 53,1 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2022. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, ASEAN tiếp tục duy trì là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, năm vừa qua, trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng âm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của nước ta năm 2023. Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam.  

thi truong trung quoc.png
Cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ lại giảm mạnh 16%, chỉ còn chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Như vậy, sau nhiều năm giữ vị trí đứng đầu, Mỹ đã lùi xuống là khách hàng thứ hai của nông sản Việt.

Trong năm 2023, Trung Quốc chi tới 12,2 tỷ USD để nhập nông thuỷ sản Việt. Theo đó, nhiều loại nông sản của nước ta được quốc gia này bao mua với giá cao.

Đơn cử, xuất khẩu sầu riêng năm vừa qua lập kỷ lục lịch sử khi thu về 2,3 tỷ USD, trong đó riêng thị trường hơn 1,4 tỷ dân này chiếm tới trên 90% tổng giá trị xuất khẩu. Nhờ đó, sầu riêng trở thành trái cây tỷ USD mới của Việt Nam.

Đáng chú ý, loại quả này của nước ta đang được Trung Quốc thu mua với giá cao giúp nông dân thắng lớn. Hiện, sầu riêng Ri6 bán tại vườn có giá dao động từ 85.000-106.000 đồng/kg; giá sầu riêng Monthong ở mức 137.000-160.000 đồng/kg.

Với mức giá này, mỗi 1ha sầu riêng nhà vườn có thể thu lãi từ 1-1,5 tỷ đồng.

Tính tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt, thị trường Trung Quốc chiếm 55,8%.

thi truong trung quoc.png
Năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. (Đồ họa: Tâm An)

Tương tự, Trung Quốc cũng chi ra gần 1,19 tỷ USD để bao mua sắn và sản phẩm sắn trong năm 2023, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của nước ta. Cao su xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đạt 2,27 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78,5%.

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khác của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 cũng tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng 19,6%; hạt điều tăng 55%; cà phê tăng 10,3%... Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản, gạo lớn thứ ba của Việt Nam.

Kỳ vọng bùng nổ trong năm 2024

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xe container chở nông sản vẫn ùn ùn chạy lên cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Trong đó, xe chở trái cây và nông sản xuất sang Trung Quốc tăng mạnh. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản để phục vụ thị trường Tết tại Trung Quốc.

Nhận định về thị trường xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Trung Quốc là thị trường chủ lực, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng bùng nổ trong năm 2024. 

Ngoài những mặt hàng đã ký kết xuất khẩu chính ngạch trước đó, ông Tiến cho hay tới đây hai nước sẽ ký thêm nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, thuỷ sản, ớt, dược liệu,... Đồng thời, gấp rút hoàn thành hồ sơ để mở cửa thị trường cho các loại trái cây có múi như: cam, bưởi, quýt.

Trung Quốc cũng chấp thuận cho 7 doanh nghiệp yến của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. 

“Những tiền đề này cho thấy 2024 là năm tăng tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, chia sẻ, Ameii vừa tham gia đoàn xúc tiến thương mại của Bộ NN-PTNT và được tiếp cận với các tập đoàn, doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc chuyên về sản phẩm sầu riêng chế biến. Qua đây cho thấy, tín hiệu về thị trường sầu riêng chế biến tốt sẽ góp phần tăng thêm giá trị xuất khẩu mảng trái cây.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu rau quả, ông Tiến đánh giá, 2023 là năm khởi động với mặt hàng này. Ông kỳ vọng 2024 sẽ là năm tăng tốc, vì nước ta còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ được mở cửa.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group - cho biết, doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn của đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc. 

Doanh nghiệp cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần tại đây. Mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng khoảng 20% so với năm 2023. Theo ông Tùng, nếu xuất khẩu với số lượng lớn lợi nhuận thu được sẽ cao, thậm chí, nông dân Việt sẽ giàu lên và hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường này.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng quốc gia này thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.