Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5.
Ngày 5/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Hướng tới Busan - Kịch bản cho Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức trước thềm Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa , phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra từ ngày 24/11 đến 01/12/2024 tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.
Đồng hành cùng Việt Nam từ những ngày đầu khi các cuộc đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu được thực hiện, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, cũng đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5, bao gồm:
Một là, quy định loại bỏ nhựa gây hại. Trong đó, WWF khuyến nghị các quốc gịa thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm và loại bỏ, bắt đầu với các sản phẩm và hóa chất có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Hai là, thiết kế sản phẩm bền vững. Thỏa thuận cần đề ra các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính thống nhất toàn cầu, đảm bảo tính tái sử dụng và tái chế để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ tạo ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho các doanh nghiệp/ và khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực tái chế và tái sử dụng nhựa.
Ba là, đảm bảo nguồn tài chính đủ mạnh. Một gói tài chính toàn diện là điều kiện tiên quyết để thỏa thuận được triển khai hiệu quả. WWF mong muốn thỏa thuận sẽ bao gồm các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cho các quốc gia thu nhập thấp để đảm bảo công bằng và bền vững.
Cuối cùng, cơ chế linh hoạt và lâu dài. Để đối phó với các thách thức không ngừng thay đối, thỏa thuận cần có cơ chế cập nhật/và điều chỉnh các biện pháp dựa trên bằng chứng khoa hoc mới. Điều này sẽ đảm bảo thỏa thuận không chỉ có hiệu lực tức thì mà còn có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.
Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.
Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng không chỉ giúp hình thành thói quen mà còn góp phần tạo ra một tương lai phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, hồi đầu năm nay, WWF Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị cùng các đối tác đồng hành tổ chức Chiến dịch “Tiêu dùng văn minh - Giảm sinh rác nhựa”.
Chiến dịch nhằm góp phần tăng cường hơn nữa các hoạt động của Liên minh trong nỗ lực giảm rác thải nhựa, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.”