Mời quý độc giả theo dõi video:

Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng mưa lớn là nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ quét, sạt lở đất. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là tại khu vực miền núi, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, khu dân cư, công trình giao thông, đe dọa tính mạng của người dân...

Thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá có 436 người với 109 hộ, 100% bà con là dân tộc thái; khu vực dân sinh sống rải rác, địa hình đồi núi cao, bị chia cắt thành những cụm dân cư.

Cách đây hơn 2 tháng, núi Phà Tớ, thuộc thôn Ấm Hiêu bất ngờ có vết nứt và sạt lở khiến hàng chục tảng đá lớn đổ xuống khu dân cư phía dưới. Thực trạng này đã đe dọa đến cuộc sống của một bản cư dân sống ở dưới chân núí.

7h30 phút sáng ngày 2/8, những âm thanh lớn phát ra từ phía núi Phà Tớ là ký ức ám ảnh với người dân sinh sống dưới chân núi. Hàng chục khối đá trên núi dồn dập lăn xuống khu vực vườn, mái nhà của các hộ dân.

Phát hiện sạt lở đá, các gia đình bảo nhau tháo chạy. Tài sản, vật nuôi và những ngôi nhà khang trang, từng rất yên bình đành bỏ lại phía sau.

Vụ việc may mắn không gây thiệt hại về người nhưng khiến 7 hộ dân trong khu vực nguy hiểm phải sơ tán khẩn cấp, dựng lều tạm sinh sống, hàng chục hộ dân khác sống trong lo âu, bất an. Trước đó, khu vực này không hề có hiện tượng đe doạ sạt lở.

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở, chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt, huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân di chuyển đồ đạc tới nơi ở tạm. Cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất để nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh, đồng thời cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên tại khu vực sạt lở để xử lý tình huống khi cần thiết

Trên cơ sở rà soát các hộ gia đình sinh sống tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai trên toàn thôn Ấm Hiêu, năm 2024, UBND xã Cổ Lũng xác định có 30 hộ, với 131 khẩu sinh sống ở nơi nguy cơ sạt lở đất, đá.

UBND xã đã lên phương án khẩn trương sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương (phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người tàn tật…) trong tình huống sạt lở đất ….

Tuân thủ chỉ huy, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về huy động nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai, sạt lở đất.

Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt và địa điểm sơ tán.

Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai. Thường xuyên rà soát các hộ gia đình sinh sống trong khu vực sạt lở đất đến từng hộ để thực hiện hiệu quả việc sơ tán trong các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” tiến hành di dời ngay khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về phòng, tránh sạt lở đất cho cộng đồng dân cư để mọi người, mọi nhà chủ động phòng, tránh.

Theo lãnh đạo xã Cổ Lũng, khu vực này đã không còn an toàn cho việc sinh sống; do vậy quan trọng nhất cần phải sớm tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. UBND xã đã lên phương án, kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thời gian tới các hộ dân thôn Ấm Hiêu được an cư, ổn định cuộc sống.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang được tỉnh Thanh Hoá, huyện Bá Thước, thôn Ấm Hươu và các địa phương khác trong tỉnh thúc đẩy triển khai. Việc làm tốt, làm có hiệu quả chương trình sẽ góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi an cư, lạc nghiệp, giảm thiểu những khó khăn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường,