Thôn 5, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có trên 500 hộ dân với địa hình phức tạp, gồm các tiểu khu 178, 179, Đạ M’pô và khu vực lân cận gần trung tâm UBND xã. 

Là khu vực có đông dân cư và sống rải rác, không tập trung nên việc tuyên truyền, tập hợp người dân trong xã rất khó khăn. Do đó, để người dân hiểu rõ về pháp luật, trong những năm qua, cấp ủy thôn “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đạt về số lượng và chất lượng. 

Theo bà K’Lem, trưởng thôn 5 cho hay, phần lớn người dân ở đây là người dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền lồng ghép các chính sách pháp luật phải thực hiện bằng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào. Qua đó, từng bước giúp người dân, nhất là với người cao tuổi và người không biết tiếng phổ thông kịp thời nắm bắt tình hình địa phương, gìn giữ an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội trong tình hình mới.

Nhằm xây dựng “cánh tay nối dài” về tuyên truyền ,phổ biến giáo dục pháp luật, thời gian qua, xã Liêng S’rônh đã kiện toàn 5 tổ hòa giải ở 5 thôn với 29 thành viên. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, qua đó làm giảm những mâu thuẫn, bất đồng trong nhân dân. 

Đến nay, các tổ hòa giải đi vào hoạt động nền nếp, công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, các vụ việc xích mích, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn đều được giải quyết kịp thời. Năm 2022, các tổ đã hòa giải được 22 vụ; trong đó, hòa giải thành 16 vụ, không thành 6 vụ. 

Buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

Anh Sùng Vang Tính, người dân thôn 5 chia sẻ: Ngày trước, chúng tôi chưa hiểu biết về pháp luật nên phần lớn bà con vẫn còn duy trì một số hủ tục, vẫn sinh con thứ 3, còn tình trạng bạo lực gia đình, chặt phá rừng… Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khi thấy chính cán bộ thôn đến thăm hỏi, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì người dân ở đây dần có nhận thức hơn về những hành vi của mình và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liêng S’rônh khẳng định: Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật của người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng ngày càng giảm. Tiêu biểu như tình trạng bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhiều người dân đã tình nguyện giao nộp vũ khí tự chế, cam kết không sử dụng chất gây nổ, xóa bỏ các hủ tục...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính gây nên hạn chế trên là do đặc thù của địa phương diện tích đất rừng nhiều, liên quan địa giới hành chính nhiều địa phương, nên tình trạng người dân lấn chiếm tranh chấp đất đai còn xảy ra. 

Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải còn thấp nên chưa tạo được động lực cho các hòa giải viên cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Việc quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ rộng, liên ngành trong khi chưa có cơ chế triển khai thực hiện, đội ngũ công chức làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. 

Trong thời gian tới, xã Liêng S’rônh sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, tiếp cận pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, truyền thông lưu động bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tiếp cận và thực hiện hiệu quả hơn. 

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV