Có đại lý dừng bán E5

Anh Trần Hải Sơn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết cả tháng nay, không hiểu vì lý do gì, đi đổ xăng tại một cây xăng ở Hà Đông thì được nhân viên cho biết không bán xăng E5, các cột bơm chỉ bán xăng RON 95.

Theo đó, các cột bơm của cây xăng này đều được chuyển sang bán xăng RON 95. Tại phần niêm yết giá xăng, thì phần niêm yết giá xăng E5RON92 bỏ trống, không có thông tin về giá. Cửa hàng xăng dầu này chỉ niêm yết giá xăng RON 95 và dầu diesel.

Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, lý do khiến cây xăng này ngừng bán xăng E5 một phần là bởi diện tích cửa hàng nhỏ hẹp, trong khi đó nhu cầu của khách hàng đổ xăng RON 95 nhiều hơn hẳn.

{keywords}
Xăng E5 không được lòng một bộ phận người dùng. Ảnh: Lương Bằng

Khảo sát tại một số cây xăng khác, có cửa hàng xăng nhân viên thường đứng ở cột bơm xăng RON 95, hiếm khi thấy sử dụng đến cột bơm có xăng E5 RON 92.

Trả lời phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thừa nhận rằng xăng E5 chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ xăng, còn lại là xăng RON 95.

Lý giải nguyên nhân khiến xăng E5 bán chậm, vị này cho biết: Hiện nay các xe đời mới ra rất nhiều và chỉ có dùng RON 95 mới đảm bảo cho xe vận hành được trơn tru. Các dòng xe này đều có tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5 nên cũng phải sử dụng xăng với chất lượng tương ứng.

“Mặt khác với các đại lý xăng dầu thì việc bảo quản xăng E5 khó khăn hơn xăng RON 95. Nếu ở địa bàn có tình trạng bị mưa ngập, không may để nước ngấm vào bồn chứa xăng E5 thì có thể vứt đi cả bồn. Xăng RON 95 thì không bị ảnh hưởng nhiều vì điều này”, vị này nói.

Ngoài ra, theo vị này, việc pha chế xăng E5 cũng chính là lý do khiến nhiều người tỏ ra ngần ngại với xăng E5. Bởi lẽ lượng cồn ethanol cho thêm vào xăng RON 92 bao nhiêu để đảm bảo chất lượng xăng E5 (xăng E5 có 5% là cồn sinh học - ethanol) là điều người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi. Nếu tỷ lệ pha không hợp lý thì xăng E5 cũng sẽ không làm cho động cơ vận hành ổn định.

Cách đây ít ngày, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị các chính sách liên quan tới xăng E5.

Thời gian qua, theo nhận định của Saigon Petro, xăng E5 chưa thật sự phát triển tương xứng với yêu cầu mục đích đề ra là thay thế xăng RON 92 đã ngưng kinh doanh từ đầu năm 2018.

Qua tham khảo nhiều đầu mối có hệ thống phối trộn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu xăng (bao gồm E5 và RON 95) ngày càng giảm, nhất là thời gian từ đầu năm 2019 trở lại đây. Riêng Saigon Petro, tỷ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 là 30,06%, tháng 1/2019 giảm xuống còn 25,58% còn tháng 3/2019 giảm xuống còn 19,76%.

“Đây là số liệu hàng tháng mà chúng tôi đã báo cáo cho Bộ Công Thương và theo chúng tôi, đây cũng là con số rất đáng báo động cho thấy tỷ trọng xăng E5 có chiều hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Saigon Petro lo ngại.

“Việc sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp cho nên nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ dần dần lơ là việc giới thiệu bán xăng E5, thậm chí loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 và chuyển sang bán xăng RON 95 khoáng”, Saigon Petro nêu lên thực tế mà PV.VietNamNet đã ghi nhận được.

{keywords}
Xăng RON 95 vẫn có lượng tiêu thụ mạnh hơn E5. Ảnh: Lương Bằng

Một phần do chính sách điều hành 

Theo tìm hiểu, việc xăng RON 95 được các cây xăng “chuộng” bán hơn cũng xuất phát từ nguyên nhân điều hành.

Thời gian qua, để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã liên tục chi rất mạnh Quỹ bình ổn giá. Điều đó dẫn tới tình trạng hiện nay Quỹ bình ổn giá ở nhiều DN đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm. Ví dụ Petrolimex tại thời điểm ngày 17/4 là âm tới 240 tỷ đồng. Còn PVoil âm tới 622 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Số tài khoản đó DN phải thông báo cho Bộ Tài chính, còn ngân hàng hàng quý báo cho Bộ số tiền trích lập quỹ của DN. DN không được phép sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Như vậy, khi quỹ dương DN cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì DN tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ (vay ngân hàng hoặc vốn DN).

“Quỹ bình ổn đó tính lãi suất không kỳ hạn, với mức lãi suất rất thấp. Nhưng nếu DN vay ngân hàng để bù vào Quỹ thì lại phải vay với mức lãi suất 8-9%. Cho nên càng cả quỹ thì DN càng lỗ”, vị chuyên gia cho hay.

Thực tế hiện nay, xăng E5 đang xả quỹ bình ổn giá nhiều hơn hẳn xăng RON 95. Tại kỳ điều hành giá ngày 17/4, xăng E5 xả Quỹ tới gần 1.500 đồng/lít, trong khi RON 95 chỉ ở mức 743 đồng/lít. Còn kỳ điều hành ngày 2/4, xăng E5RON92 phải xả quỹ lên tới 2.042 đồng/lít, cao hơn hẳn mức xả quỹ của xăng RON 95 (xăng RON95 xả 1.304 đồng/lít).

Điều này cho thấy, DN nào bán xăng E5 thì càng thiệt hơn bán xăng RON 95 khi Quỹ bình ổn giá đã bị âm nặng và DN phải tìm cách bù tiền vào.

Saigon Petro trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Tài chính cũng thừa nhận: Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các DN đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo.

“Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.

Lương Bằng