Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị Giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên diễn ra mới đây, hiện nay sản lượng, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ (05 ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 60 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017)”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại EU thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; 9 nhãn hiệu tập thể, gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Trại Cài”, “Chè Đại Từ”, “Chè Phổ Yên”, “PD Phú Đạt GREEN TEA”, “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ (tính đến hết năm 2022).
GS.TS Đào Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất, Thái Nguyên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cơ chế chính sách riêng cho sản phẩm chè nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm chè của Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phổ biến chính sách của nhà nước về phát triển thương hiệu, tổ chức tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tại cơ sở giúp các hộ gia đình, làng nghề nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về giá trị, để sản phẩm có chỗ đứng, sức cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra nhãn hiệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm để phù hợp với chất lượng khi đăng ký bảo hộ đối với tổ chức, cá nhân.
Bản thân các chủ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm tự nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình để thương hiệu bay cao, bay xa, có giá trị và đem lại sức cạnh tranh trên thị trường...