Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,

Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương

Thưa các nhà khoa học, chuyên gia và toàn thể các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo;

Hôm nay, thành phố Đà Nẵng rất vui mừng và vinh dự được Ban Kinh tế Trung ương chọn là địa phương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thay mặt Thành ủy Đà Nẵng, tôi xin trân trọng gửi tới đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và toàn thể quý vị đại biểu dự Hội thảo lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Hội thảo của chúng ta thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Kính thưa toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu,

Hội thảo hôm nay được tổ chức tại Đà Nẵng, trong bối cảnh thành phố đang trên đà khôi phục tăng trưởng nền kinh tế sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19, năm 2020 tăng trưởng âm và năm 2021 tăng trưởng chưa đến 1%, kéo theo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 4,32%/năm.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là từ tháng 3 đến nay; GRDP quý II tăng 12,37%, 6 tháng đầu năm tăng 7,23%, trong đó: dịch vụ tăng 9,8%, du lịch nội địa đạt cao hơn cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20%, riêng xuất khẩu phần mềm đặt gần 60 triệu USD tăng hơn 30%. Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm, đến nay đạt 80% so với dự toán. 

Kính thưa toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu,

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, theo đó đã thống nhất tập trung xây dựng phát triển thành phố trên 03 trụ cột, đều liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch, đó là: (1) Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; (2) Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn: trong đó (i) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và (ii) công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, gắn với nền kinh tế số; (3) Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn: trong đó (i) Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics, và (ii) trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quan điểm: “Phát triển văn hóa, ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội gắn với phát triển du lịch” là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thành phố thời ký 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu bổ sung vào quy hoạch thành phố.

Kính thưa  các quý vị đại biểu!

Qua 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố được đầu tư tương đối đồng bộ và toàn diện  phục vụ cho các ngành dịch vụ, công nghiệp, như: Sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường sắt, đường cao tốc, đường quốc lộ; đã hình thành được hạ tầng công nghiệp, công nghệ thông tin tương đối phát triển hơn so với khu vực, gồm: Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1, Khu công viên phần mềm số 1, Khu công viên phần mềm số 2, 06 khu công nghiệp…, và một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư như: Bến cảng Liên Chiểu, Khu công nghệ thông tin tập trung ­giai đoạn 2, Khu tổ hợp Không gian sáng tạo, Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel, 03 khu công nghiệp mới, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT. Đặc biệt, thành phố đang báo cáo các bộ, ngành để trình Chính phủ Đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực và xây dựng Đề án thành lập Khu phi thuế quan. 

Những chủ trương, định hướng và những bước đi của thành phố như trên rất phù hợp với Chủ đề Hội thảo ngày hôm nay và sẽ là nền tảng, là động lực để thúc đẩy xây dựng phát triển ngành dịch vụ nói riêng và kinh tế xã hội của thành phố nói chung trong thời gian đến.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mang tính xuyên suốt từ Đại hội VI đến nay. Qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. 

Đặc biệt phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực chi kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ yêu cầu “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. 

Vì vậy, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, để làm rõ hơn các cơ sở khoa học và thực tiễn của  vấn đề. Chúng tôi tin tưởng với sự chuẩn bịrất kỹ lưỡng và công phu của Ban Chỉ đạo, với gần 60 bài báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và những người làm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ đưa ra được những giải pháp, những ý kiến góp ý thiết thực để hoàn thiện được những chủ trương, chính sách về phát triển ngành dịch vụ để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết quả của Hội thảo là một trong những cơ sở để Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII sắp đến. Đồng thời, cũng là cơ sở quan trọng để thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố theo yêu cầu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Với ý nghĩa đó, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo ““Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, chúc Hội thảo chúng ta thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!