Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần). Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí thấp.
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Giang đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Giang trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, điển hình về giảm nghèo bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo quy định của Chính phủ, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 2 lần so với cuối năm 2020.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo, ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho công tác giảm nghèo là rất lớn, đặc biệt là Chương trình 135, Chương trình 30A của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 18,54% cuối năm 2021 (bình quân giảm 4,19%/năm). Cụ thể: 39.465 hộ nghèo đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ trung bình, khá từ 44,97% lên 68,42%; 7 xã nghèo thoát khỏi đặc biệt khó khăn; 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong công cuộc giảm nghèo.
Tuy nhiên, kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương chiếm 42,8%, hộ cận nghèo chiếm 13,04% số hộ trên toàn tỉnh. Nhiều xã, huyện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nhất là 7 huyện vùng cao biên giới và huyện Bắc Mê... Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt Đề tài: Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Rà soát, đánh giá thực trạng, lợi thế và phân vùng để có chính sách, giải pháp cụ thể
Thông qua những câu chuyện ghi nhận từ thực tế, Ban chủ nhiệm đề tài “Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang” đã nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về giảm nghèo bền vững. Đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, thông qua việc nghiên cứu các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác giảm nghèo bền vững; thu thập số liệu thứ cấp về thực trạng giảm nghèo; điều tra số liệu sơ cấp, phân tích đánh giá thực trạng giảm nghèo bền vững thông qua các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; tình hình thu nhập của các hộ dân bằng mô hình hồi quy tuyến tính.
Giới chuyên gia cho rằng, trong những năm tới để công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương đạt hiệu quả, Đảng bộ tỉnh Hà Giang cần rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế và phân vùng để có chính sách, giải pháp cụ thể; phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân để có các chính sách, giải pháp phù hợp với từng đối tượng; huy động các nguồn lực xã hội để giảm nghèo.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức nền tảng quản lý tài chính, quản lý kinh tế cho các hộ gia đình; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trước mắt nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu các hộ nghèo; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; đầu tư phát triển nguồn nhân lực dài hạn… Hà Giang cũng cần xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm để người nghèo, hộ nghèo có thể vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hộ nghèo.
Yên Minh