Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất; tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Đối với sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng (Production Unit Code - P.U.C) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất trong từng giai đoạn từ trước và sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như quy cách đóng gói; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc có mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn đảm bảo sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất để đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm.

W-traixoai.png
Trái xoài Hoà Lộc (An Giang)

Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước, mang lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điển hình nhưtheo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác.

Nhận thức rõ điều này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn VNPT phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về nông nghiệp. Đây là bước đi quan trọng của ngành để gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, giúp cho việc cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: Bộ số; kinh tế nông nghiệp số; nông thôn và nông dân số.

Từ năm 2022, trong lễ phát động "chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn", Bộ NN-PTNT đã công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Cục Trồng trọt được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức thực hiện thí điểm hệ thống CSDL quốc gia về trồng trọt, với địa chỉ website csdltrongtrot.mard.gov.vn, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất và nhu cầu công tác quản lý theo Luật Trồng trọt.

Đến đầu năm 2024, cả nước có gần 7.000 mã số vùng trồng được cấp tại 54/63 tỉnh, thành phố và 1.588 mã số cơ sở đóng gói được cấp tại 33 tỉnh, thành phố.

Từ tháng 4/2023, Bộ NN-PTNT đã phân giao nhiệm vụ này cho các địa phương thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Điều này đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính và áp lực cấp mã cho các địa phương đồng thời giúp quá trình kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Tại nhiều địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản.

Hệ thống CSDL quốc gia về trồng trọt sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Hệ thống này sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời các dữ liệu về trồng trọt như: Dữ liệu về danh mục giống lưu hành, giống cây trồng được bảo hộ, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, văn bản quy phạm pháp luật, vùng trồng... Người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuộc Bộ, địa phương chỉ cần đăng nhập vào hệ thống CSDL là có thể tra cứu được nội dung thông tin như mình mong muốn. Điều này ngoài việc giúp công tác quản lý, thông tin thống nhất, xuyên suốt còn giúp rút ngắn thời gian, công sức, chi phí...