Kính thưa GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương;

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ, ngành và địa phương;

Thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, quý vị đại biểu và toàn thể hội nghị.

Hôm nay, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc- Lý luận và thực tiễn”. Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã quan tâm và đến tham dự Hội thảo.

W-img-20231021-113741-2.jpg
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Kính thưa các quý vị, đại biểu!

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán tư tưởng: lấy dân làm gốc, người dân là chủ thể, là mục đích, là trung tâm của mọi quá trình phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung”. Đi đôi với việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân... Từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng trong xã hội.

Nhằm mục tiêu phát triển hợp lý giữa kinh tế - văn hóa, xã hội - môi trường, Vĩnh Phúc đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, để đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên các phương diện của đời sống xã hội của tỉnh. Ở Hội thảo hôm nay, Vĩnh Phúc xin chia sẻ với quý đại biểu tham dự một số kết quả đã đạt được về lĩnh vực kinh tế và văn hóa, xã hội.

Về phát triển kinh tế: Nhìn chung, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã và đang tiếp tục chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu nội bộ ngành và giữa các ngành chuyển dịch theo hướng gia tăng hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, năng suất lao động chung toàn tỉnh và của các ngành từng bước gia tăng. Cụ thể, Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh có tốc tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước giai đoạn 2021-2022; ước tính hết năm 2023, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm xấp xỉ 63%, ngành dịch vụ chiếm xấp xỉ 30%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm xấp xỉ 7%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và gia tăng trong giai đoạn 2020-2022, và năm 2023 thu ngân sách nhà nước ước đạt 32,9 nghìn tỷ. Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 1,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 95% mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 468 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,9 tỷ USD.

Về phát triển văn hóa – xã hội: Thực hiện định hướng về các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, tỉnh đã không ngừng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, Vĩnh Phúc là một trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc biên soạn, giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1; là một trong sáu địa phương đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai một số đề án nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân được Tỉnh phát triển theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 đã được cụ thể hóa bằng những nghị quyết, kế hoạch và tập trung thực hiện. Kết quả đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống 0,99% năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 là 0,7%.

Kính thưa các quý vị, đại biểu!

Tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rõ ràng tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng như đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 “Đảng ta xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”. Điều đó có nghĩa là văn hóa dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội.

Trong những năm vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nghiên cứu, tìm tòi những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để khắc phục nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người dân có cơ hội hưởng thụ thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa định hướng “Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống”. Trong đó, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là một điểm nhấn quan trọng, là một sự cụ thể hóa ở cấp địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và ở một mức độ xa hơn là thể hiện cho định hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Đây là chủ trương mới, tư duy đổi mới của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách toàn diện cho nhân dân. Mục tiêu của chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là tạo ra bước đột phá trong việc hài hòa giữa phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội. Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ kiến tạo nền tảng xã hội vững chắc để đưa Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.

Để hiện thực hóa các quyết tâm chính trị về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hoá chi tiết từng nhiệm vụ cho từng địa phương, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành Kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Cùng với đó, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết số 06 ngày 05/5/2023 với 16 chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” và Nghị quyết số 08 ngày 05/5/2023 thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 với 14 tiêu chí thực hiện.

Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã được hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hào hứng đón nhận với sự đồng thuận cao nên đã đạt được kết quả bước đầu. Hầu hết các thôn, làng đã đạt trên 50% tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Trong đó nổi bật là: Đến nay, tất cả các Làng văn hóa kiểu mẫu đã cơ bản đầu tư xong thiết chế văn hóa - thể thao cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, khuyến học - khuyến tài, thi đua sản xuất lao động diễn ra sôi nổi, thường xuyên. Đã và đang tiến hành phục dựng kịch bản các lễ hội truyền thống; lập phương án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị; lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư; đánh số nhà, tên đường; cải tạo, nâng cấp đường giao thông; sơn, trát lại và phủ xanh tường rào; nạo vét hệ thống cống, rãnh, thủy vực; thu gom rác thải; chỉnh trang nghĩa trang nhân dân;.... Những kết quả bước đầu đạt được đã làm cho cảnh quan, môi trường làng quê có nhiều chuyển biến theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh; người dân cảm thấy yêu thương và có trách nhiệm với làng, với cộng động và quê hương mình hơn. Con em đi xa lâu ngày trở về quê cảm thấy bỡ ngỡ, xúc động trước sự thay đổi từng ngày của làng quê.

Thành quả lớn nhất trong việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là đã tạo nên thế trận lòng dân, đoàn kết đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Người dân đã chung tay góp sức khoảng hơn 35 tỷ đồng, đồng thời đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình khu thiết chế văn hóa thể thao và đường giao thông, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đường giao thông, vệ sinh môi trường. Nhiều ngôi làng với hệ thống các thiết chế nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao, công viên - vườn hoa, … được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã trở thành hiện thực trong niềm vui, hồ hởi và hân hoan của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế, đến nay, người dân đã đăng ký thực hiện 93 mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại; 14 mô hình homestay, farmstay và 01 điểm du lịch cộng đồng; 22 mô hình vườn sản xuất; 100% các huyện, thành phố đã thực hiện giải ngân vay vốn qua Ngân hàng chính sách, với số tiền gần 100 tỷ đồng, với 541 hộ gia đình vay vốn.

W-hoi-nghi-1.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng (ảnh giữa) và ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, vẫn còn nhiều nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phải thực hiện như: Việc phát huy vai trò chủ thể của người dân chung tay thực hiện các tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu để phát huy sức mạnh nội lực từ bên trong của mỗi người dân, của cộng đồng dân cư; việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra các sản phẩm, vùng sản xuất mang bản sắc, sự khác biệt để thu hút khách du lịch; việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng, để không chỉ xây dựng Làng văn hóa phát triển toàn diện, giàu bản sắc văn hóa mà còn làm giàu từ các giá trị văn hóa truyền thống; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; việc thay đổi nếp nghĩ và thói quen sinh hoạt cho phù hợp của người dân;…

Kính thưa quý vị đại biểu!

Hội thảo hôm nay là một cơ hội để nhìn lại bước đầu triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách làm này của tỉnh nói riêng, việc cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành những hoạt động thiết thực. Thông qua Hội thảo, tôi cũng mong muốn các đại biểu làm rõ hơn những bước phát triển tiếp theo của xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên cơ sở phân tích thực trạng hiện nay.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 01 buổi sáng với hình thức tham luận và thảo luận bàn tròn. Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu các đề xuất của các đại biểu để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.