Sáng 21/10, tại TP Vĩnh Yên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc-Lý luận và thực tiễn”.

Dự hội thảo có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, và đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương cùng các nhà khoa học.

nguyen xuan thang.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo

Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Hội thảo để nhìn lại bước đầu triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn. 

Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, nêu rõ: Đây là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn địa phương và Nghị quyết lần thứ 17 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, có 3 bài học kinh nghiệm trong thực hiện nghị quyết của Đảng được rút ra từ quá trình thực hiện chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc. Đó là mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, khi đó người dân sẽ tích cực ủng hộ, đồng hành; quá trình thực hiện phải có sự sáng tạo và triển khai đồng bộ, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Thắng nhấn mạnh, những kết quả bước đầu trong xây dựng làng văn hóa này rất đáng biểu dương, nhưng cũng còn những vấn đề đặt ra, cần tiếp tục được các đại biểu thảo luận làm rõ, như: Cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn; đặc trưng của làng văn hóa kiểu mẫu; làm gì để duy trì, phát triển, tạo ra chiều sâu chất lượng; những khó khăn, thách thức và kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thành công trong thời gian tới…

hoi thao 2.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng (ảnh giữa) chủ trì hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra các phiên trao đổi bàn tròn, cùng 30 tham luận gửi tới. Qua đó, các đại biểu trao đổi, thảo luận, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng.

Kết luận hội thảo, bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, các ý kiến đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu với những đặc trưng cơ bản.

Đó là làng có cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, tạo sức mạnh cộng hưởng cùng quá khứ nối tương lai. 

W-img-20231021-113741-2.jpg
Bà Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội thảo.

Qua đó, bước đầu làm rõ thực chất nội dung chủ yếu, các nguyên tắc và cách thức tổ chức, vận hành làng văn hóa kiểu mẫu. 

Theo bà Lan, tại đây, nhiều ý kiến cũng đã gợi mở và đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; về những khả năng có thể nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như cả nước…

Bà Lan cho rằng, những thành quả bước đầu cho thấy chủ trương xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc là đúng đắn, kịp thời, thể hiện bước đột phá mới trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Thanh Bình, và nhóm PV, BTV