Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Mối quan hệ thương mại của hai bên tiếp tục được củng cố khi thương mại song phương đạt tổng giá trị 6,9 tỷ bảng Anh vào năm 2022, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 và gần gấp đôi so với năm 2013. 

Tại Khóa họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh (JETCO13) do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, qua 12 kỳ họp trước, cơ chế của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh đã có những bước phát triển bền vững, góp phần giải quyết những vướng mắc về chính sách, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hai nước.

Quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang chứng kiến những bước phát triển về vượt bậc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng. Về thương mại, hai nước đã có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi hơn 2 năm và gần đây nhất là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi Anh trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định này.

Bà Phan Thị Thắng

Về năng lượng, với sự thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ của Vương quốc Anh sau Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) do Vương quốc Anh làm chủ tịch, Việt Nam đã đưa ra được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng lộ trình, định hướng mạnh mẽ để đạt được mục tiêu này. Đặc biệt hơn, sau đó Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Vương quốc Anh cùng các nước với Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

"Các lĩnh vực kinh tế khác tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo… đều được các Bộ, ngành, cơ quan hai nước phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện các chương trình hợp tác hiệu quả, mang lại kết quả bền vững cho cả hai bên" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, hai Bên đã trao đổi cởi mở thẳng thắn về những nội dung cụ thể. Trong đó, về lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đã chia sẻ với phía Anh thông tin về tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII, cũng như một số thông tin hướng dẫn về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Phía Việt Nam cảm ơn Vương quốc Anh đã hỗ trợ Việt Nam trong cơ chế Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, đồng thời đề nghị phía Anh tăng cường hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống điện, thị trường điện…

Về lĩnh vực y tế, Việt Nam đã trả lời nội dung với phía Anh thông tin về tình hình Luật dược sửa đổi mà phía Anh quan tâm, đồng thời đề nghị Anh hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc, vắc xin, tăng cường trao đổi học thuật giữa hai nước.

Phía Anh đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đồng thời đề cập đến chương trình Y tế ASEAN và Chương trình trung tâm sáng tạo Y tế tại TP. Hồ Chí Minh và phía Anh dự kiến triển khai.

Về lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, phía Anh đã bày tỏ nhiều quan tâm về việc Việt Nam hướng dẫn và hỗ trợ việc đăng ký mở cửa thị trường đối với các sản phẩm thịt gia cầm, thịt bò, hải sản của Anh sang Việt Nam. Trong khi đó, phía Việt Nam mong muốn Vương quốc Anh hỗ trợ năng lực về công tác nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, cũng như chuyển giao công nghệ các vắc xin mới cho người dân Việt Nam tăng cường sức đề kháng đối với các loại virus gây bệnh mới.

Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, hai bên đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) và mong rằng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác về xây dựng năng lực trong thời gian tới.

Về lĩnh vực thương mại và đầu tư song phương, phía Việt Nam một lần nữa hoan nghênh Vương quốc Anh trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP, đồng thời đề nghị phía Anh có các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả tận dụng các cam kết song phương và đa phương của hai bên; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, định kỳ tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tham gia thị trường của nhau, hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Đặc biệt, hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy trao đổi về phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn từ cả hai phía. Việc phát triển du lịch giữa hai nước sẽ cũng bổ trợ cho tăng trưởng thương mại và đầu tư, hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Đinh Thanh Tuấn, Hoàng Thị Kim Duyên, Lê Anh Dũng