Từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) ngày một khang trang và phát triển hơn.
Công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo cũng được các cấp nỗ lực quan tâm, các tuyến đường được mở rộng đầu tư, nâng cấp; nhiều tuyến đường có hệ thống cây xanh, chiếu sáng, đường ống thoát nước… không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn nâng cao đời sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Các công trình, dự án về văn hoá, xã hội như công viên cây xanh, trung tâm văn hoá, thể dục thể thao… được tích cực đầu tư tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp nâng cao dân trí cho người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trần Lộc, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã được mở rộng đầu tư, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, chương trình được triển khai thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; nhân dân hiến đất mở đường và từ nguồn vốn ngân sách để triển khai thực hiện các dự án giao thông, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn.
Sau 15 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, TP Hồ Chí Minh đã có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5/5 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội vùng nông thôn được tập trung đầu tư với hơn 10.200 công trình, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển sản xuất, dạy - học, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân.
Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3.849 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày một cải thiện.
Nỗ lực không ngừng nghĩ cho bước chuyển mình của các vùng nông thôn, TP Hồ Chí Minh tiếp tục gấp rút hoàn thành nhiều nhiệm vụ, mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025, phát huy hơn nữa hiệu quả thực hiện chương trình gắn với đô thị hoá, trong đó tập trung ứng dụng CNTT trong một số ngành, lĩnh vực để hướng tới mục tiêu xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
Trong giai đoạn này, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 20% số huyện được chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới phải gắn liền và khai thác hiệu quả chương trình chuyển đổi số mà TP đề ra.
Để thực hiện mục tiêu trên, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn TP năm 2024.
Theo đó, chương trình được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số và đạt tỷ lệ 50% hồ sơ công việc cấp TP, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Cụ thể, có 50% số xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến một phần.
20% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, xã có ít nhất một trong các mô hình ấp thông minh nhằm hướng đến hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Phạm Tấn Quốc, Trưởng phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hồ Chí Minh, đến năm 2024-2025, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá trên địa bàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo như kế hoạch đề ra.
Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính vì vậy, giai đoạn sau TP sẽ tập trung nâng chất và nâng cao hơn giai đoạn trước.
Ngày 1/1/2023, Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTrHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, TP phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; TP được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.