Quỳ hợp là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với diện tích tự nhiên 941,28 km2, dân số 120.000 người, gồm ba dân tộc anh em: Kinh, Thái, Thổ chung sống.

Hơn 20 năm trước vào năm 2001, huyện Quỳ Hợp là một trong 7 huyện trên địa bàn toàn quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) và UBND tỉnh Nghệ An chọn chỉ đạo xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi và dân tộc thiểu số, giai đoạn 2001 -2011.

Từ chủ trương này, nhiều năm qua lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từ năm 2006 đến nay thể theo nguyện vọng của đồng bào trên cơ sở những giá trị văn hoá truyền thống, cùng với "Ngày hội văn hoá 19/4" hàng năm - Ngày thành lập huyện - đã xây dựng và đưa vào tổ chức Lễ hội Mường Ham thuộc xã Châu Cường. Đây là một lễ hội có sức thu hút đông đảo khách tham quan đến từ trong và ngoài tỉnh mỗi dịp ra Giêng ngay tại vùng đất Mường Ham - vùng Khủn Tinh cũ.

Nhờ làm tốt khâu tuyên truyền vận động mà ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từng bước "thấm" vào mỗi người dân nơi đây. Ðiều này lý giải tại sao Quỳ Hợp chặn đứng được vấn nạn nhà sàn, cồng chiêng... rời bản. Mối lo "bản vắng nhà sàn" đã vợi đi khi mà người dân ý thức rằng việc giữ gìn truyền thống cha ông là việc của chính mình. Thật tự hào khi đến nay, ở Quỳ Hợp vẫn còn đó những xã như Bắc Sơn, Nam Sơn, những bản như Noóng Ổn (Châu Thái), Bản Bồn (Châu Lý)... được mệnh danh là "xứ sở nhà sàn". Các xã như Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Hồng đều xây dựng nhà văn hóa xã bằng nhà sàn truyền thống.

W-anhnhasan.png
Mối lo "bản vắng nhà sàn" ở Quỳ Hợp vợi đi khi mà người dân ý thức rằng việc giữ gìn truyền thống cha ông là việc của chính mình. 

Hơn 10 năm thực hiện Đề án, đến nay toàn huyện đã có 197/227 làng bản, khối, xóm được công nhận “Đơn vị văn hoá” các cấp (71,1% kế hoạch với 22.212 gia đình văn hoá (80,1 %) 51 trường học các cấp, 31 cơ quan đơn vị, 8 trạm y tế trên địa bàn được công nhận “Đơn vị văn hoá”; 8 xã, thị trấn có thiết chế văn hoá thông tin thể thao đạt chuẩn Quốc gia. Đến năm 2011, có 3 xã đạt chuẩn văn hoá đó là xã Đồng Hợp, xã Tam Hợp và xã Nghĩa Xuân.

Các phong trào như: toàn dân đoàn kết phát huy dân chủ, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; phong trào chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chăm lo sức khỏe cho nhân dân... đã đưa lại hiệu quả tích cực trong cộng đồng. 

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được đẩy mạnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo của địa phương. Đến nay huyện đã có thị trấn Quỳ Hợp đạt chuẩn văn minh đô thị, 6 xã đạt chuẩn NTM và đang xây dựng xã Minh Hợp trở thành xã NTM nâng cao…

Bước sang giai đoạn mới, từ những thành tựu đã đạt được, bên cạnh các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, công tác phát triển văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được huyện Quỳ Hợp xác định là khâu đột phá để bên cạnh các nguồn lực kinh tế, yếu tố văn hóa là động lực quan trọng, xây dựng huyện nhà phát triển một cách toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Song song với việc nhanh chóng xác lập tầm nhìn và tư duy chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp đã, đang cùng quyết tâm, chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo thế và lực mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhóm PV