Theo Đại tá Nguyễn Đình Thảo, Trưởng phòng 2 (X03, Bộ Công an), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), Bộ Công an ban hành kế hoạch xây dựng tượng đài Công an nhân dân “Vì bình yên cuộc sống”.

Tượng đài được đặt tại TPHCM với mục đích tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì bình yên cuộc sống của nhân dân. 

IMG_4B6CE1A48466 1.jpg
Tượng đài Công an nhân dân “Vì bình yên cuộc sống”. Ảnh: Cục Công tác đảng và công tác chính trị

Theo Đại tá Nguyễn Đình Thảo, tượng đài là tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đem đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Đây là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, khái quát cao, có giá trị nghệ thuật, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, giáo dục truyền thống, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng CAND. 

Tượng đài còn thể hiện được sự trang nghiêm, có bố cục hình khối rõ ràng, chắc khỏe, hài hòa với không gian xung quanh, tạo được không gian sống động, thể hiện thần thái của người chiến sĩ CAND; tạo được cảm xúc thẩm mỹ, ấn tượng về nghệ thuật đối với nhân dân về hình ảnh gần gũi của người chiến sĩ bản lĩnh, nhân văn, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc thể hiện hình ảnh lực lượng CAND vừa trang nghiêm, vừa gần gũi; thể hiện được vai trò, nhiệm vụ cao cả của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; phù hợp với cảnh quan kiến trúc. 

Tượng đài được đặt tại Công viên Âu Lạc (khu vực tiếp giáp ngã sáu Cộng Hòa), đường Trần Phú, quận 5, TPHCM có chất liệu ép đồng công nghệ mới, đảm bảo yếu tố bền vững, trang nghiêm, gần gũi và hài hòa không gian, cảnh quan thực tế.

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục X03 cho hay, bức tượng nặng 6 tấn, có độ bền hàng trăm năm, là sự hòa quyện không tách rời, từ hồn nhân vật, ánh mắt, thần thái của tượng, ánh nhìn rất yêu mến giữa người dân và chiến sĩ công an, thể hiện sự bình yên của cuộc sống...

462568502_1387297418903155_3899388688936822449_n.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục X03. Ảnh: T.Nhung

Tượng đài cao khoảng 9,5m, có 7 nhân vật gồm: Mẹ Việt Nam, em bé thiếu nhi và 5 chiến sĩ công an. Bố cục nhân vật của tượng đài là hình ảnh lực lượng CSCĐ, Cảnh sát PCCC, CSGT và công an cơ sở cùng hình tượng bà Mẹ Việt Nam và em bé thiếu nhi, thể hiện hình tượng người chiến sĩ công an luôn hết lòng "vì bình yên cuộc sống”.

Nói về lý do lựa chọn 4 lực lượng CSCĐ, Cảnh sát PCCC, CSGT và công an cơ sở để làm tượng đài, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy cho biết, các lực lượng này đều là những người tiếp xúc, gần với nhân dân nhất, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ bình yên cuộc sống người dân.

Sau hơn 1 năm triển khai, tượng đài hiện đang được lắp đặt và xây dựng, hoàn thiện cảnh quan xung quanh và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.