Triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, 5 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong toàn lực lượng; hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử quân sự của BĐBP có giá trị cao, làm sâu sắc thêm truyền thống lịch sử của lực lượng, của các cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng bộ BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ mới.
Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo Bộ Tham mưu (Phòng Khoa học Quân sự) tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Cục Chính trị phối hợp nghiên cứu, biên soạn, hoàn chỉnh Công trình “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Việt Nam 1959-2019” (bổ sung 10 năm 2009-2019). Triển khai biên soạn hàng chục công trình lịch sử có giá trị ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng.
Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong BĐBP, thành lập mới 45 nhà văn hóa, xây dựng và trưng bày mới Bảo tàng Biên phòng, phòng truyền thống của Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh. Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng. Triển khai tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, giữ gìn khu trưng bày truyền thống an ninh vũ trang miền Nam tại Tây Ninh; tượng đài Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến tại Quảng Trị, tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ tại Điện Biên…
Phát biểu kết luận hội nghị, trên cơ sở đánh giá những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các cơ quan đơn vị, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác lịch sử quân sự. Tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, đẩy mạnh việc vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong cơ đơn vị một cách thường xuyên, thống nhất.
Chú trọng làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí phục vụ công tác lịch sử quân sự. Mở rộng hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, nhà khoa học. Tập trung hoàn thành xuất bản các công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đúng quy trình quy định xuất bản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin trong thu thập, lưu trữ dữ liệu; xây dựng thư viện điện tử phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử quân sự.
Phạm Bắc, Ngọc Dũng, Ngọc Trang