Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA, trong tháng 3, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.154 xe. Dù ghi nhận mức tăng 8% so với tháng trước đó nhưng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA giảm tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số xe du lịch tháng 3 đạt 13.071 chiếc.
Nếu tính cả TC Motor ((không nằm trong VAMA) với doanh số bán các dòng xe Hyundai đạt 5.086 chiếc thì toàn thị trường Việt Nam bán ra tổng số 24.240 xe trong tháng 3 (chưa tính các mẫu xe sang nhập khẩu).
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2020 giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng xe du lịch (dưới 9 chỗ ngồi) giảm tới 35%. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Thống kê của VAMA cho thấy, hầu hết các thương hiệu ô tô đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh số của Ford Việt Nam sụt giảm 48%, Toyota giảm 28%, Lexus giảm 45%, Mazda giảm 49%, Nissan giảm tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả TC Motor, dù vẫn giữ nhịp tăng trưởng so với tháng trước nhưng doanh số bán hàng cũng kém xa so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều dự báo cho thấy doanh số bán hàng tháng 4 sẽ tiếp tục giảm sút khi thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc gần như "đóng băng" do các đại lý và showroom ô tô đóng cửa, chỉ duy trì bán hàng qua các kênh trực tuyến và hầu hết các hãng xe có nhà máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam cũng tạm dừng sản xuất.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án giảm 50% phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu, cùng với các giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt, gia hạn thuế... để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo dự báo của VAMA, doanh số bán hàng năm nay có thể giảm tới 15% so với dự báo của Hiệp hội trước đó. Điều này chắc chắn gây áp lực giảm sản lượng lên hầu hết các nhà sản xuất.