Những năm ấy Hà Nội cũng là nơi bắt đầu sử dụng xe máy. Thế nhưng chiến tranh loạn lạc nên giờ đây đã hầu như chẳng ai còn giữ được một chiếc xe nguyên vẹn.

Sau hòa bình năm 1954, đường phố Hà Nội vắng, vài chiếc xe máy có từ thời Pháp thuộc vẫn nhả khói xanh lè ở những khu phố nội thành. Những chiếc Solex, Mobylette, Vespa… lúc này đã cũ rích và không có phụ tùng thay thế lần lượt phải ngừng hoạt động. Hình ảnh người đi xe máy lúc ấy trông chẳng vẻ vang gì. Ngoài chiếc xe rách nát han rỉ ra thì chính người lái nó cũng nhếch nhác không kém. Chân tay đầy dầu mỡ, túi lóc xóc mang theo vài chiếc bugi và đồ nghề sửa chữa.

Cảnh tượng chồng lái vợ đẩy xe khởi động máy trên phố khá hài hước. Có chiếc xe vợ đẩy nổ được máy rồi không làm sao ông chồng quay lại đón vợ được nữa đành vẫy tay chào nàng ở lại. Phố Phủ Doãn có vài hàng sửa xe Vespa chuyên nghiệp. Người ta có thể nhìn thấy ở đấy toàn bộ xe Vespa của thành phố. Vài cái đắp chiếu để nhiều năm ngoài vỉa hè.

{keywords}
Facebooker Nguyễn Việt Hùng đã chia sẻ những bức ảnh về đám cưới hạng sang của bố mẹ mình, tổ chức vào năm 1981, đoạn đường rước dâu bằng xe máy kéo dài hàng cây số.

Xe máy quý hiếm như thế nên nhiều khi nó đã bước chân cả vào nghệ thuật. Đầu những năm 1960, Hà Nội còn có màn biểu diễn xe máy chạy vòng quanh Bờ Hồ. Xe cắm cờ đỏ cả đoàn lao vun vút với người lái chỉ đứng một chân trên yên. Các động tác trồng cây chuối tiếp theo bội phần phiêu lưu nguy hiểm. Lúc này những chiếc xe phân khối lớn chỉ được trang bị cho lực lượng vũ trang và ngành Thể dục thể thao. Đó là những chiếc xe ba bánh hiệu “Ural” của Nga và “Hạnh phúc” của Trung Quốc. Vài cơ quan báo chí cũng được cấp những chiếc xe nhỏ hơn để đi tác nghiệp.

Xe máy là niềm mơ ước của dân phố. Đã có anh chàng kỹ sư tự tay thiết kế lắp ráp một chiếc xe máy hoàn chỉnh đặt tên là “Độc lập”. Xe “Độc lập” sơn tay hai màu trắng đỏ và kẻ dòng chữ lên bình xăng. Trông na ná như chiếc xe máy Java của Tiệp Khắc nhập khẩu lúc bấy giờ. Dĩ nhiên toàn bộ máy móc và những chi tiết đòi hỏi công nghệ cao vẫn phải lấy từ xe máy nước ngoài.

Phải chờ đến cuối những năm 1960, khi các lưu học sinh ở những nước xã hội chủ nghĩa trở về, Hà Nội mới có thêm những chiếc xe máy mới. Nhiều lưu học sinh ở các vùng quê xa khi về đến Việt Nam cũng bán ngay chiếc xe máy của mình ở phố. Đơn giản vì nếu vác về quê cũng không có đường để đi.

{keywords}

Nhà văn Đỗ Phấn.

Xe Java của Tiệp Khắc, xe Riga của Liên Xô, xe Simson, Spart, Star, MZ của Đức, xe Bankan của Bulgaria tất cả đều là động cơ 2 thì nhả khói mù mịt và tiếng nổ nhức óc. Người có tiêu chuẩn được Nhà nước cấp cho phiếu mua 5 lít xăng một tháng. Dầu nhớt cửa hàng bán tự do, người đi xe mua về tự pha. Động cơ 2 thì sản xuất ở các nước xã hội chủ nghĩa cộng với cách pha xăng nhớt thủ công như thế nên nhiều nhất tuổi thọ của chiếc xe chỉ tầm vài ba năm. Sau đó, mỗi người chơi xe đều trở thành những ông thợ lấm lem dầu mỡ một cách bất đắc dĩ.

Lúc này cũng có một số xe máy sang trọng được thân nhân của những gia đình có người ở Pháp gửi về. Khỏi phải nói giá trị của nó đến mức nào. Những xe Peugeot, Mobylette cá vàng, Vespa Sprint thường có giá tiền bằng cả một căn nhà. Những người có xe này dân phố có thể biết rõ tên tuổi. Ông Thẩm Hoàng Tín có chiếc Peugeot 103 “5 thụt” màu cà phê. Anh Tú con ông Đức Minh có chiếc Vespa Sprint, anh Nhuận dập gác đờ bu dưới Chợ Giời có chiếc Mobylette cá vàng, họa sĩ Nguyễn Sáng có chiếc Peugeot 102 màu xanh cánh chả…

Xe máy Hà Nội trở nên phổ biến hơn khi Việt Nam thống nhất năm 1975. Những dòng xe máy Nhật Bản sản xuất với kiểu dáng đa dạng và máy móc tuyệt vời. Xe Honda dame, Suzuki, Yamaha. Xe Pháp Mobylette cá xanh, cá xám. Xe Italia có Lambreta. Xe Tây Đức Shark, Buick. Tất cả đều là xe cũ nhưng đã được những người thợ tài ba trong ấy sửa chữa nâng cấp hoàn chỉnh. Tất nhiên tuổi thọ cũng chẳng còn được bao lâu. Trên những quãng đường xa bên ngoài Hà Nội thỉnh thoảng vẫn thấy vài người đi xe máy dừng lại múc nước ruộng lên tưới vào xe cho mát máy.

Chiếc xe máy trở nên phổ biến nhất ở phố vào quãng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Xe nhập nguyên chiếc cũng nhiều và xe bãi vô cùng nhiều. Cán bộ lương trung bình anh nào cũng có thể sắm cho mình một chiếc. Những xe Honda đời 78, 79, 80, 81 cũ mang về được tu sửa làm mới chạy êm ru trên đường. Chiếc xe Honda đời 81 kim vàng giọt lệ còn như một đồ chơi sang trọng. Xe ở các nước xã hội chủ nghĩa dù rằng mới hơn nhưng đã không còn nằm trong danh sách đáng được mơ ước nữa. Những chiếc Babeta của Tiệp, Simson của Đức chỉ dành cho tầng lớp dân nghèo thành thị. Lúc ấy dân chơi có tiền phải sắm cho bằng được chiếc Honda DD nữ hoàng màu đỏ ớt.

Giờ như ta thấy đã gần như mất hẳn khái niệm “chơi” xe máy. Giỏi lắm còn vài câu lạc bộ mô tô với những chiếc xe phân khối lớn rất khó khăn để đăng ký lưu hành và thi lấy bằng lái. Xe máy hoàn toàn giống như chiếc xe đạp thời 1970 nhà nào cũng phải có vài chiếc. Và tốc độ chạy trên đường của nó cũng gần như xe đạp ngày xưa. Vì sao thì ai cũng biết!

Cuối những năm 1960, khi các lưu học sinh ở những nước xã hội chủ nghĩa trở về, Hà Nội mới có thêm những chiếc xe máy mới. Nhiều lưu học sinh ở các vùng quê xa khi về đến Việt Nam cũng bán ngay chiếc xe máy của mình ở phố. Đơn giản vì nếu vác về quê cũng không có đường để đi. Xe Java của Tiệp Khắc, xe Riga của Liên Xô, xe Simson, Spart, Star, MZ của Đức, xe Bankan của Bulgaria…

(Theo Nhà văn Đỗ Phấn/ An ninh thủ đô)

Bạn nghĩ sao về hình ảnh chiếc xe máy thời nay? Mọi tin bài cộng tác xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Người Việt sẽ sử dụng xe máy đến bao giờ?

Người Việt sẽ sử dụng xe máy đến bao giờ?

Đến năm 2030, 70% người dân Việt Nam vẫn sẽ sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu.