Ô tô nhập khẩu tăng mạnh
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 3/2024, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, cả về số lượng lẫn tổng giá trị kim ngạch. Cụ thể, đã có tổng cộng 15.860 ô tô nguyên chiếc các loại, hoàn tất thủ tục thông quan, với tổng giá trị kim ngạch hơn 330 triệu USD.So với kỳ báo cáo của tháng trước, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 64,4% về lượng và 62,3% về giá trị kim ngạch. Tính chung cả quý I/2024, tổng số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 32.272 xe, với tổng giá trị kim ngạch hơn 675 triệu USD.
Indonesia tiếp tục là quốc gia cung cấp ô tô nhiều nhất cho thị trường Việt Nam. Quý I/2024 có tổng cộng 14.762 ô tô nguyên chiếc, có nguồn gốc Indonesia nhập khẩu vào Việt Nam, với tổng giá trị kim ngạch vượt 213 triệu USD. Tiếp theo là Thái Lan, với 10.420 xe, đạt giá trị kim ngạch gần 204 triệu USD. Thứ ba là Trung Quốc với 5.821 xe, đạt giá trị kim ngạch đạt gần 177 triệu USD. Đấy là chưa kể ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU)…
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước quý I/2024 của các doanh nghiệp thành viên đạt 30.919 xe các loại, còn xe nhập khẩu đạt 27.346 xe các loại. Trong số 10 mẫu xe bán chạy nhất quý 1/2024, có 4 mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc gồm Mitsubishi Xpander, Ford Everest, Honda HR-V và Suzuki XL7. Đấy là chưa kể mẫu xe pick up Ford Ranger bán chạy nhất với 3.562 xe, có phiên bản Raptor nhập khẩu nguyên chiếc chiếm 12%.
Chỉ riêng trong tháng 3/2024, số ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã chiếm gần một nửa tổng lượng ô tô nguyên chiếc được các hãng nhập khẩu trong cả quý đầu năm, cho thấy xe nhập khẩu đang tăng mạnh, so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Sản xuất lắp ráp mất lợi thế
Nhờ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, nên ô tô nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Việt Nam đang trở thành thị trường lớn cho ô tô sản xuất lắp ráp từ Indonesia và Thái Lan. Sản xuất lắp ráp ô tô ở Indonesia và Thái Lan có chi phí thấp hơn 20% so với Viêt Nam. Vì vậy, xuất khẩu ô tô sang Việt Nam có lợi thế. Nếu các mẫu xe này giảm giá bán thì xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh. Điều này sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vốn có quy mô nhỏ bé, sản lượng thấp và vẫn quanh quẩn với lắp ráp giản đơn.
Các dự báo cho thấy ô tô nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hiện các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào Indonesia và Thái Lan, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu xe giá rẻ sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Không những thế, theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVAFTA), Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVAFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tới năm 2030 ô tô nhập khẩu từ các quốc gia Eu, Anh, Nhật Bản… sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Hiện mức thuế nhập khẩu ưu đãi cho ô tô từ các quốc gia này đang giảm dần bình quân mỗi năm 7%. Xe nhập khẩu nguyên chiếc chất lượng cao ngày càng tràn vào Việt Nam nhiều. Các doanh nghiệp nhận định, từ năm 2025 trở đi, khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống thấp, lắp ráp trong nước ô tô sẽ không còn nhiều lợi thế.
Theo Bộ Công Thương, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 1 triệu xe/năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước không phát triển, sẽ không đáp ứng được. Khi đó Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 10 -12 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ thuộc về nước ngoài.
Theo Trần Thủy/ Diễn đàn doanh nghiệp
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!