Thời gian qua, không ít trường hợp ôtô, xe máy va chạm với xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, có nhiều phương tiện đang được “tạo điều kiện” trở thành xe ưu tiên, việc này là cơ hội cho không ít cá nhân lợi dụng xe ưu tiên sử dụng vào mục đích không chính đáng, hoặc có trường hợp người lái xe ưu tiên vì lạm dụng quyền ưu tiên “mát ga” phóng nhanh, vượt ẩu, đe dọa an toàn tính mạng người khác.

Khi xe ưu tiên tăng lên theo cấp số nhân

Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ, nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn với xe ưu tiên do người điều khiển phương tiện giao thông không hiểu hoặc coi thường tín hiệu của xe ưu tiên; xe ưu tiên phóng nhanh vượt ẩu, không đảm bảo khoảng cách an toàn với các phương tiện giao thông khác.

Dư luận chưa hết xôn xao vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội (BKS 29A-02307) với ôtô khách (BKS 29B-078.43) khiến 4 chiến sĩ và 2 người khác bị thương (1 chiến sĩ đã hy sinh vào sớm 19.3). Vụ việc xảy ra trong quá trình xe cứu hỏa chạy ngược chiều giao thông trên đường cao tốc để phục vụ công tác cứu hộ cho một vụ TNGT trên đường cao tốc theo hướng Hà Nam – Hà Nội.

Phân tích tình huống pháp lý trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) – cho rằng, khi xe cứu hỏa có tín hiệu khẩn cấp mà xe khách không quan sát, dẫn đến va chạm gây hậu quả nghiêm trọng. Ở đây lỗi chính thuộc về xe khách, xe khách đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ được quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất mà chủ phương tiện xe khách phải đối mặt lên tới 15 năm tù. Bên cạnh đó xe khách cũng sẽ phải bồi thường các khoản phí tổn thất theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

{keywords}
Xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc bị xe khách đâm trúng, hậu quả khiến 1 chiến sĩ cảnh sát PCCC tử vong.

Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng phải xem xét đến yếu tố xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác.

Điều 22 Luật giao thông Đường bộ quy định, khi phương tiện ưu tiên nhận thông tin cần cứu hộ gấp phương tiện khác thì người chỉ huy đơn vị phụ trách xe ưu tiên đó phải thông báo đến cơ quan quản lý đường bộ hoặc CSGT phụ trách kiểm tra, tuần sát ở khu vực gặp sự cố, có biện pháp chủ động phân luồng, cảnh báo các phương tiện trên đường. Nếu trường hợp đơn vị đó chưa có sự thông báo, phải xem xét trách nhiệm của cơ quan này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan vụ việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình - đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn nêu trên. Đồng thời chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc hiện nay, nhất là các hành vi vi phạm, như điều khiển xe quá tốc độ, ngược chiều giao thông, đi vào làn dừng khẩn cấp, lùi xe, dừng đón trả khách sai quy định trên cao tốc.

Trước khi vụ tai nạn trên xảy ra, có nhiều trường hợp xe ưu tiên gây tai nạn, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Cách đây không lâu, xe cứu hộ BKS 29C - 917.00 di chuyển hướng cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp, gây tai nạn liên hoàn ở đoạn nối Quốc lộ 5 kéo dài (thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) khiến 3 người thương vong; hay vụ xe cứu thương gây tai nạn tại ngã tư Bà Triệu - Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cuối năm 2017, làm cho một người phụ nữ bị thương nặng, sau đó phương tiện này lùi xe, bỏ chạy, dư luận đã rất phẫn nộ.

Những vụ việc điển hình trên, nhiều người nêu quan điểm, xe ưu tiên được sử dụng quyền ưu tiên của mình để cứu hộ, cứu nạn một cách nhanh nhất, tuy nhiên, không vì thế mà phương tiện này được phép chạy ẩu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế, những năm gần đây, các bệnh viện tư nhân mọc lên như “nấm sau mưa”, số xe cấp cứu cũng vì thế tăng lên chóng mặt. Những phương tiện này được “tạo điều kiện” trở thành xe ưu tiên, phục vụ vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện, cơ sở y tế. Mặt lợi tất nhiên đã rõ, song không phải không có mặt trái, đó là việc tạo cơ hội cho không ít cá nhân lợi dụng việc sử dụng “xe ưu tiên” vào mục đích không chính đáng. Ngoài ra, còn có tình trạng, xe cứu hộ tư nhân lắp còi ủ, đèn quay, gắn “mác” ưu tiên, nên, mỗi khi lên xe, người lái “thỏa sức mát ga” phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, thậm chí đi ngược chiều.

Xe ưu tiên gây tai nạn, xử lý thế nào?

Liên quan vấn đề này, thượng tá Nguyễn Văn Minh (Phó Trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt Bộ Công an) - cho hay, trường hợp xảy ra tai nạn giao thông giữa phương tiện ưu tiên với phương tiện thông thường, nếu như phương tiện được quyền ưu tiên đang phải làm nhiệm vụ khẩn cấp, người điều khiển phương tiện này không bị thương, phương tiện vẫn hoạt động được, thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản tạm giữ các giấy tờ có liên quan. Đồng thời ghi lại biển số phương tiện, họ tên, đơn vị công tác của người điều khiển phương tiện; đánh dấu vị trí của phương tiện giao thông, ghi nhận sơ bộ và chụp ảnh các dấu vết trên phương tiện, rồi cho họ tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Sau đó, cơ quan chức năng mới tiến hành điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định. Kết quả điều tra sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.

Còn với trường hợp xe ưu tiên lạm dụng tín hiệu ưu tiên khi tham gia giao thông hoặc không đúng đối tượng nhưng tự ý lắp đặt, sử dụng, gây phản cảm cho người tham gia giao thông giảm hiệu lực của những xe được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ, trả lời Báo Lao Động, luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - cho hay, các đơn vị đó phải chủ động tháo gỡ thiết bị ưu tiên theo quy định.

“Đối với trường hợp được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên phải liên hệ với cơ quan chức năng để cấp giấy phép sử dụng theo quy định. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lắp đặt và sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên”, luật sư Sơn nói.

Quyền của xe ưu tiên

Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

- Đoàn xe tang.

Các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

(Theo Lao Động)