- Ở Pháp, tôi luôn có cảm giác tham gia giao thông rất nhẹ nhàng, khác hẳn với sự căng thẳng, ồn ào ở Việt Nam - bạn đọc Nguyễn Vương (Hà Nội) chia sẻ với “Xem Tây, ngẫm ta”.

>> Nguyên Bộ trưởng kinh ngạc về Nhật sau chuyện cái ô ở công viên

Ở 3 thành phố mà tôi đi qua cách đây 1 năm, điểm chung của các phương tiện giao thông công cộng là rất đúng giờ. 

Ở Paris, lượng người di chuyển lớn nên loại hình giao thông chủ yếu là tàu điện ngầm. Vé tàu có thể được bán theo tháng hoặc theo ngày.

{keywords}

Một ban nhạc đường phố ở Paris

{keywords}

Một ban nhạc ở ga tàu điện ngầm ở Paris

Bạn có thể mua một chiếc vé khoảng 7 euro để đi lại trong ngày ở Paris. Với chiếc vé này bạn có thể đi lại bằng tất cả các loại phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt. 

Hệ thống soát vé là tự động, bạn chỉ cần đưa vé vào máy, cửa sẽ tự động mở chỉ đủ cho bạn đi qua.

Còn với xe buýt, chỉ có một người lái xe, đồng thời cũng là người soát vé. Bạn lên xe bằng cửa trước, trình vé và tài xế sẽ mỉm cười chào, gật đầu nói cảm ơn. Nếu bạn chưa mua vé, tài xế sẽ bán vé cho bạn.

Nếu để so sánh thì tôi thấy ở ta, thường cho tất cả hành khách lên xe rồi mới có một người đi bán vé. Như thế vừa tốn thêm nhân lực lại vừa phải chen lấn qua rất nhiều hành khách để bán vé.

Đến Nantes, chúng tôi di chuyển bằng hệ thống tàu cao tốc TGV. Tàu chạy rất nhanh - 350km/h. 

Nantes là một thành phố cổ kính và nghệ thuật với lượng dân số vừa phải nên phương tiện di chuyển chủ yếu ở đây là tàu điện và xe đạp. Tàu điện hoạt động tương tự như xe buýt, nghĩa là có tuyến cố định và có các điểm dừng nhưng có thể chuyên chở số lượng người lớn hơn nhiều.

{keywords}

Tàu điện ở Nantes

{keywords}

Bảng điện tử thông báo giờ tàu đến ở Nantes

Ở các điểm chờ luôn hiển thị cho hành khách biết còn bao lâu nữa tàu sẽ đến hoặc bao nhiêu phút nữa chuyến tàu tiếp theo sẽ khởi hành. Các tàu điện đều có hai đầu nên các chuyến tàu không phải mất thời gian quay đầu nữa mà tài xế chỉ cần thay đổi cabin là xong. 

Trên tàu điện không có nhân viên soát vé, mọi thứ hầu như phụ thuộc vào sự tự giác của chính hành khách.

Ở thành phố biển Toulon, phương tiện đi lại chủ yếu là ô tô với những con đường cao tốc. Tôi rất bất ngờ khi được di chuyển từ bến tàu về thành phố mà có thể đi tốc độ lên tới 150km/h.

Một điều đặc trưng trong văn hoá cũng như trong hệ thống giao thông là luôn có các nghệ sĩ với guitar và acordeon biểu diễn ở các bến tàu, hay thậm chí ngay trên tàu.

Nếu thấy hay bạn có thể tặng họ vài chục cent hoặc 1 euro, tương ứng với khoảng 10-20 nghìn đồng tiền Việt. Các ban nhạc để được chơi nhạc ở đây cũng phải qua một cuộc tuyển chọn của chính quyền. Cùng với đó, ở các nhà ga đi các tỉnh đều có những cây đàn piano để hành khách có thể chơi trong lúc chờ đợi.

{keywords}

Khách xếp hàng mua vé ở ga tàu điện ngầm Paris

Bởi vậy mà trong suốt những ngày ở Pháp, tôi luôn có cảm giác tham gia giao thông ở đây rất nhẹ nhàng, cứ như là vừa đi nghe một buổi hoà nhạc, khác hẳn với cảm giác căng thẳng, ồn ào khi tham gia giao thông ở Việt Nam.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải.

Nguyễn Vương (Hà Nội)