- Chứng kiến cảnh uống bia miễn phí của ta, nghe chuyện tiếp khách Tây - bạn đọc Nguyễn Duy Nghĩa (Hà Nội) chia sẻ với diễn đàn “Xem Tây, ngẫm ta”.
>> Làm giàu kiểu Israel và khát vọng của nguyên Bộ trưởng
Đã thành thông lệ, để tri ân những khách hàng ruột đã tuôn vào bụng hàng thùng bia, các hãng bia hùn nhau mở “Ngày hội uống bia miễn phí” vào dịp cuối năm. Âu cũng là kế chiêu khách mở màn cho mùa uống năm mới, trên hành trình chinh phục đỉnh cao chót vót của một siêu cường bia.
Ngắm các quý khách nốc say sưa, hết lòng, căng bao tử mới chợt nhận ra rằng việc xứ sở này bây giờ mới trở thành cường quốc bia là muộn, không chịu đi tắt đón đầu. Bia nhập, ngôn xuất.
Ngôn ngữ là phương tiện để kết nối cộng đồng. Chưa hề quen biết nhưng lúc này đã “hồng diện” ắt đều là “tri kỷ”, bàn kéo sát bàn, vại cụng vại, mồi nhắm bình dân mời mọc bốc bải vô tư.
Ảnh có tính chất minh họa |
Cùng bơi trong biển bia hiển nhiên “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển là nhà). Uống nửa vại, đổ phắt đi, rót đầy phè vại mới, cụng. Uống được nửa bình, thấy nhà hàng khui “bom”mới cũng đổ phắt, hứng bình mới, lại cụng, cùng zô.
Nhà hàng hào phóng.Vòi hút từ bom chảy phè phè, tung bọt tràn bình. Sàn nhà ngập ngụa những bia. Bia vàng sánh, tinh khiết, giờ đục ngầu. Giày dép lép nhép dẫm lên bia như đi đường làng sau mưa. Mùi bia, đồ nướng, khói lò nướng…quện thành mùi gớm ghê, chắc không có văn sĩ nào thế hệ Nam Cao, Nguyễn Công Hoan tả nổi vì thời các cụ đâu sẵn bia thế này.
Sự hoành tráng này khiến mỗi năm lại lập kỷ lục mới về… nốc bia và cũng là kỷ lục về phí phạm.
Kể chuyện này với người bạn. Anh không bình phẩm mà chỉ thuật chuyện cũ nhưng vẫn mới.
Thì ra Tây là thế
Lần đầu tiên tôi chủ trì đón và làm việc với đoàn khách nước ngoài, nội dung không lo, chỉ ngại cách đón tiếp những ông Tây sang ta, nên dặn anh em chu đáo.
Quả vậy sau khi săn đón đoàn khách dùng bữa, vẻ băn khoăn anh cán bộ lễ tân nói với tôi: Có lẽ mình đặt mức ăn thấp quá, em thấy khách như còn đói, đĩa bát không còn gì, có người còn lấy bánh mì vét sạch đĩa.
Tôi dễ dãi: Cậu cứ gọi thêm. Bữa sau, cũng cậu lễ tân nọ lại gặp phản ảnh: “Đặt thêm nhưng hình như bạn ăn vẫn chưa đủ. Đĩa nào đĩa ấy vẫn sạch bách”. Tôi hơi ngờ ngợ, nhưng vẫn bảo thì đặt thêm nữa. Cậu lễ tân vui vẻ.
Hôm sau gặp lại, cậu ta hý hửng ra mặt: Hôm qua em mới thấy bạn được ăn no. Đĩa nào bạn đụng dao thìa thì hết sạch, nhưng mà còn mấy đĩa y nguyên.
Tôi chưa hiểu thế nào thì đích thân trưởng đoàn gặp tôi: Các bạn còn nghèo mà đãi khách sang thế, hơn cả chúng tôi. Như bữa đầu là ngon, vừa đủ. Bữa thứ hai nhiều hơn. Chúng tôi bảo nhau, Việt Nam mến khách, cố ăn cho hết, kẻo chủ nhà tưởng đồ ăn không ngon, ta chê. Nể các bạn ăn thêm, ngon miệng nhưng dạ dày không quen thành thử đến bữa sau không ai muốn ăn nữa.
Ai dè đến bữa tiếp các bạn lại tăng thêm khẩu phần, bày thêm món mới nên ai nấy thấy oải lại bảo nhau, ăn cố được bao nhiêu thì ăn, nhưng món nào không ăn thì để nguyên. Thấy món mới sợ lạ miệng, lạ bụng, đụng dao thìa sợ ăn dở đành cũng để nguyên. Thì ra là thế.
Sau đó kể chuyện này với anh em quen tiếp xúc với nước ngoài, họ bảo tập quán của Tây là vậy, không khách khí nhưng cũng không phí hoài. Ăn của nhà họ không phí đã đành, được mời cũng vậy.
Nghe chuyện uống bia miễn phí mà ông kể, mình nghĩ bài học “tiết kiệm” giản dị thế mà bao năm vẫn chưa thuộc, chỉ vu vơ những điều to tát đâu đâu.
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải |
Nguyễn Duy Nghĩa (Hà Nội)