- Phương án chuyển 43 chuyến xe Hải Phòng từ bến Lương Yên về Yên Nghĩa mà Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến cân nhắc từ các nhà xe và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Theo 2 phương án được Sở GTVT Hà Nội đưa ra gửi các bến xe và cơ quan quản lý nhà nước, 96 lượt xe Hải Phòng tại bến Lương Yên dự kiến sẽ được chuyển về bến Nước Ngầm và bến Yên Nghĩa.

Theo phương án 1, bến xe Nước Ngầm sẽ tiếp nhận 53 lượt xe/ngày, bến Yên Nghĩa 43 chuyến/ngày. Phương án 2, bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 47 lượt xe/ngày, Yên Nghĩa 43 lượt xe/ngày.

{keywords}
Đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc do xe khách từ bến Mỹ Đình và bến Yên Nghĩa đi qua khá đông. 

Dù đồng thuận với chủ trương di dời khỏi bến xe Lương Yên, song, theo các nhà xe, việc điều chỉnh tuyến xe khách Hải Phòng về bến xe Yên Nghĩa như trên chưa phù hợp với chủ trương của Sở GTVT Hà Nội trước đây về việc không duy trì các tuyến xe chạy “xuyên tâm” thành phố để giảm tải sức ép giao thông cho khu vực nội đô vì các tuyến xe Hải Phòng phải đi qua khu vực nội đô để vào bến Yên Nghĩa.

Lý giải về việc sắp xếp các tuyến Hải Phòng về bến Yên Nghĩa, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Do các DN vận tải tuyến Hải Phòng ở bến Lương Yên thường xuyên có xích mích nên khi điều chuyển cần phải tách các DN này ra...

Tuy nhiên, ông Khúc Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại & Dịch vụ Đất Cảng (đơn vị có 60 chuyến xe mỗi ngày chạy tuyến Hải Phòng - bến xe Yên Nghĩa) cho rằng, nếu Hà Nội chuyển thêm 43 tuyến Hải Phòng về bến Yên Nghĩa thì cũng không giải quyết được câu chuyện xích mích nói trên, có khi còn khiến DN thêm khó khăn khi phải cạnh tranh.

“Hiện nay tuyến Hải Phòng - Yên Nghĩa đang có 125 chuyến/ngày. Các xe ra khỏi bến tần suất khách chỉ đạt dưới 50%. Nếu tăng thêm hơn 40 chuyến về bến mỗi ngày chắc chắn sẽ đẩy các DN cùng tuyến vào thế khó khăn. Hệ lụy là xe rời bến thì sẽ phải tìm cách đi vòng vo bắt khách”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho rằng nên chuyển toàn bộ 96 chuyến xe chạy tuyến Hải Phòng về bến xe Nước Ngầm và bến Gia Lâm với bán kính gần để tiếp tục phục vụ khách Hải Phòng tại khu vực Lương Yên quen thuộc.

Ngoài ra, theo ông Hải, bến Yên Nghĩa quá xa Lương Yên. Tại Yên Nghĩa đã có nhiều nhà xe lớn, việc cạnh tranh sẽ không dễ.

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất, việc điều chuyển xe từ bến Lương Yên về các bến khác đã được đồng thuận, tuy nhiên khi phân bổ cần căn cứ thực tế để phù hợp nhu cầu các nhà xe.

Cụ thể, theo ông Tòng, Sở GTVT Hà Nội khi xây dựng phương án điều chuyển cần bố trí phù hợp theo luồng tuyến để vừa đảm bảo phục vụ hành khách, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

{keywords}
Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển xe tuyến Hải Phòng từ bến xe Lương Yên về bến Nước Ngầm hoặc Gia Lâm để giảm áp lực giao thông nội đô.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng Cục Đường bộ VN – Bộ GTVT) cho rằng cần cân nhắc việc điều chuyển tuyến Hải Phòng từ bến Lương Yên về Yên Nghĩa theo hành trình xe chạy ra đường vành đai 3 – Nguyễn Trãi – Pháp Vân. Vì hiện, Sở GTVT Hà Nội lại đang đề xuất các tuyến vận tải hành khách cố định đi qua đường vành đai 3 phải đi sang đường cầu Đông Trù để tránh ùn tắc.

Ngoài ra, cần cân nhắc việc khách ở bến xe Yên Nghĩa đi Hải Phòng không là bao, nên khi chuyển thêm nhà xe về Yên Nghĩa sẽ có những tình huống như các xe vòng vo đón khách từ cổng bến xe cho tới đường vành đai 3, ảnh hưởng không ít tới giao thông.

Từ phân tích thực tế, ông Thủy đề xuất Hà Nội cần nghiên cứu điều chuyển toàn bộ 96 lượt xe từ bến Lương Yên về bến Nước Ngầm.

Lý do, vì bến xe Nước Ngầm công tác quản lý rất tốt, xe xuất bến gần đường cao tốc và đường trên cao (Thanh Trì) nên khả năng bắt khách ngoài đường ít. Việc chuyển hết về bến xe Nước Ngầm cũng tạo điều kiện cho các nhà xe sớm ổn định hoạt động sau khi di dời.

Vũ Điệp