Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 30 hộ “nhờ lan rừng mà sống khá hơn”.
Những vườn lan rừng ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã trở thành gia sản đối với người dân, khi có giá trị vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Đến thăm vườn lan của hộ anh Thạch Điểm ở ấp 4, xa Lộc Hưng mới cảm nhận được nét đẹp, mùi hương quyến rũ nồng nàn của các loài lan rừng, đặc biệt là ngọc điểm.
Ngọc điểm là một trong những loại lan rừng có nguồn gốc từ Campuchia. Loài lan này chỉ nở vào mùa xuân, đúng dịp tết và rất quý hiếm. Anh Điểm cho biết, trước đây, hầu như trong nhà anh hay những gia đình xung quanh đều trồng vài giò lan rừng như một thú vui.
Vườn lan ngọc điểm của gia đình anh Thạch Điểm ở ấp 4, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) khoe sắc đón xuân Canh Tý 2020. |
Khi nhận thấy nhu cầu thị trường, anh Điểm cùng nhiều người dân sang Campuchia lấy hàng về bán. Anh đang trồng các giống lan rừng gồm lan giả hạc, lan ngọc điểm, lan kiếm, lan long tu... với gần 1.000 giò. Mỗi giò lan anh trồng bán với giá từ vài trăm đến vài triệu, lan đột biến có giá vài chục triệu đồng. Nhiều người mua lan chưng bày trong dịp tết, vì vậy anh Điểm cũng có thu nhập khá.
Mê lan từ nhỏ nhưng thời gian gần đây, anh Nguyễn Văn Trọn ở ấp 4, xã Lộc Hưng mới đầu tư vào lan rừng. Anh sử dụng khoảng 300m2 vườn đầu tư làm nhà lưới, lắp giàn, hệ thống phun tưới nước tự động và các vật dụng để trồng lan. Hằng ngày, anh sang Campuchia mua lan về trồng, đồng thời bán sỉ, lẻ. Anh đang sở hữu hơn 2.000 giò lan với hàng chục loại, trong đó có giả hạc, hạc vĩ, kim điệp, ngọc điểm... Theo anh Trọn, trồng lan rừng không khó, chỉ cần tưới đủ nước, độ ẩm, ánh sáng và giá thể cho cây phát triển. Hiện nguồn tiêu thụ lan ngoài thị trường trong tỉnh, anh còn bán cho người yêu thích lan tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm gia đình anh lãi khoảng 70 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển.
Không chỉ trồng và bán lan tại nhà, nhiều người dân ở ấp 4, xã Lộc Hưng còn kinh doanh lan trên địa bàn tỉnh và các khu vực miền Tây. Bà Thị Sarai ở tổ 2, ấp 4 đã có hơn 10 năm làm nghề mua, bán lan tận Cần Thơ nên có biệt danh là “bà Hai Cần Thơ”. Bà có 2 người con trai đã lập gia đình và hiện cũng đi tìm lan từ Campuchia về bán tại thị trấn Lộc Ninh.
Ấp 4, xã Lộc Hưng có 189 hộ dân, trong đó hơn 90% số dân là đồng bào Khơme. Bằng những giải pháp giảm nghèo, năm 2019, ấp đã giảm được 2 hộ, hiện vẫn còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Anh Lâm Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng cho biết: Nghề trồng và buôn bán lan rừng đã có ở Lộc Hưng từ nhiều năm nay. Từ 1-2 hộ ban đầu, đến nay toàn ấp 4 có hơn 30 hộ theo nghề lan. Và với mức thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây khác, lan rừng đang trở thành xu hướng mới trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người dân trong ấp. Nhiều gia đình có dòng lan đột biến gen thì mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Trong lan tạo nên không gian sống của con người gần gũi với thiên nhiên, giúp người trồng thỏa mãn niềm đam mê, thưởng thức vẻ đẹp lan rừng. Với riêng đồng bào ở ấp 4, xã Lộc Hưng, đây là hướng đi bền vững, giúp bà con thoát nghèo và nhiều hộ làm giàu từ trồng lan.
(Theo Báo Bình Phước)