Tại TPHCM, gần đây, có nhiều đối tượng tự ý xông vào nhà người dân, dùng tem nhái có logo, thương hiệu gas nhưng in ấn sơ sài, không có địa chỉ cửa hàng, dán chồng lên tem của các đại lý gas khác để bán phụ kiện bếp, bình gas dỏm với giá “cắt cổ”.
Hù dọa người dùng
Chị Nguyễn Thiên D. - ở chung cư Ehome 4, Q.Thủ Đức, TPHCM - cho biết trong lúc chị đang dọn dẹp nhà, có một thanh niên đi vào, nhanh chóng dán tem giống hệt tem gas B.M. nhưng số điện thoại khác hoàn toàn thương hiệu đã dán trên vỏ bình gas trước đó. Tưởng cùng nhãn nên chị D. cũng không để ý. Tuy nhiên, khi hết gas, chị D. gọi gas theo số điện thoại trên thì được một thanh niên tới giao gas, người này cho biết van gas nhà chị D. đã bị hở, dễ cháy nổ nên đề nghị chị D. thay với giá 450.000 đồng/sản phẩm. Chị D. kiểm tra thì phát hiện giá thật sản phẩm chỉ 200.000 đồng.
Những người lớn tuổi ở nhà một mình dễ bị các đối tượng lừa đảo giở chiêu trò thay đổi bình gas, phụ kiện bình gas kém chất lượng |
Cuối tháng 10/2020, chị D. tiếp tục gọi thay gas, một thanh niên khác đem đến bình gas thương hiệu Thủ Đức và tiếp tục báo dây gas bị xì rồi đề nghị thay với giá 300.000 đồng. Chị D. không đồng ý và tìm thông tin số tổng đài gas B.M., mới biết mình đã bị lừa. Nhóm người đổi gas dùng kim làm cho thủng dây gas trong quá trình thay bình và giá dây gas chỉ 70.000 đồng.
Mới đây, các đối tượng giả nhân viên các công ty gas đến tận nhà khuyên người dùng chuyển sang bình gas composite để phòng, chống nguy cơ cháy nổ bình. Ông Lợi - 78 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TPHCM - kể họ nhận là nhân viên gas B.M., vào bếp kiểm tra van, dây qua loa rồi thuyết phục thay bình gas composite, có thể nhìn thấy lượng gas bên trong, chi phí khoảng 2,2 triệu đồng. Thấy người này không mặc đồng phục, đeo biển tên công ty, ông Lợi nghi ngờ và từ chối.
Đại diện Công ty gas B.M. cho hay, không cử nhân viên đi tư vấn thay linh kiện bếp và bình gas. Tại doanh nghiệp này, đã có trường hợp nhân viên làm sai quy định, bị đuổi việc nhưng mạo danh công ty để lừa bán bình gas giả, lậu.
Đừng mua bình gas trôi nổi
Ông Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam - khẳng định không có chuyện bình composite an toàn tuyệt đối hay an toàn hơn bình gas thông thường. Hơn nữa, số lượng bình composite rất ít nên không thuận tiện cho việc đổi bình gas sau khi xài hết. Tất cả bình gas trên thị trường đều chưa từng xảy ra nổ, kể cả bình composite hay bình sắt, nếu được sản xuất theo đúng kỹ thuật.
“Hơn 20 năm làm trong ngành gas, tôi thấy chỉ xảy ra cháy chứ không nổ bình gas. Vì vậy, bình composite hay bình gas khác cũng đều có nguy cơ cháy như nhau và 99% nguyên nhân cháy là do sử dụng không đúng, một số trường hợp cháy do xì van” - ông Long nói.
Theo ông Long, hiện không có công ty nào nhập bình gas composite về Việt Nam mà chủ yếu sử dụng vỏ bình cũ, nạp gas vào bán. Tại tỉnh Long An, có một dây chuyền sản xuất bình composite. Loại bình composite ruột sắt nhưng bọc nhựa ở ngoài thì không phải là bình composite.
Ông Lê Quang Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) - cũng cho biết hiện không có nhiều bình gas composite nhập khẩu chính thức trên thị trường. Tại TPHCM, loại bình này chiếm chưa tới 1% tổng lượng bình gas các loại.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM - cho rằng đáng lẽ các doanh nghiệp bị mạo danh thương hiệu phải đi tìm những nơi làm giả, báo cơ quan chức năng biết để vào cuộc xử lý, nhưng do sợ bị người tiêu dùng tẩy chay khi biết thương hiệu mình có hàng giả nên đã làm ngơ. Do vậy, các doanh nghiệp đang tự đánh mất quyền lợi của mình, gián tiếp dung dưỡng cho những kẻ làm hàng giả để lừa gạt người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách chọn thương hiệu có uy tín, tra kỹ thông tin số điện thoại tổng đài trước khi gọi mua. Khi bình gas xảy ra sự cố người bán hàng phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu mua trôi nổi, không có chứng từ xác định được nơi bán hàng thì người tiêu dùng không thể khiếu nại được” - luật gia Phan Thị Việt Thu nói.
Theo Báo điện tử Phụ nữ TP HCM