Mục tiêu: Đến năm 2025, có 80% xã đạt chuẩn NTM, 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao

Thời gian qua, công tác xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Đối với tỉnh Bến Tre, trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, đã quán triệt và tiếp cận quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Trung ương, đề ra mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh “Xây dựng NTM tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, xác định: Đến năm 2025, có 80% xã đạt chuẩn NTM, 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; mỗi huyện có một xã NTM kiểu mẫu; các xã còn lại đạt 15 TC trở lên; 04 huyện (Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú), phấn đấu thêm huyện Bình Đại đạt chuẩn NTM; 01 huyện (Chợ Lách) đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, đến năm 2030 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Nông thôn mới ở Bến Tre

Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 80 xã, 24 xã đạt 15-18 tiêu chí, 38 xã đạt 10-14 tiêu chí và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trung bình đạt tiêu chí trên xã là 16,74 tiêu chí/xã.

Kết quả thực hiện các nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới đều đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Hiện toàn tỉnh có 17.097 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,27% và 17.014 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,25% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Ước tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 2,75%. Trong năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các giải pháp giảm nghèo nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Thực hiện chính sách mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 37.199 người nghèo, 44.940 người cận nghèo và 158.603 người dân tại các xã bãi ngang ven biển, kinh phí 165,62 tỷ đồng. Triển khai thực hiện 49 mô hình giảm nghèo, với 392 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, tổng kinh phí 5,45 tỷ đồng.

Thực hiện giải ngân vốn vay cho 3.651 lượt hộ cận nghèo, 2.589 lượt hộ nghèo, 1.769 lượt hộ mới thoát nghèo, 2.392 lượt hộ hoạt động kinh tế vùng khó khăn để phát triển sinh kế. Vận động hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 40.671 người cận nghèo, tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng, đảm bảo 100% người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên. Giải quyết kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 19.627 người có công với cách mạng, tiếp nhận mới và giải quyết 2.558 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người có công. Vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng 301 căn nhà tình nghĩa; tổ chức vận động 01 ngày lương ”Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân người có công đang khó khăn về nhà ở.

Thực hiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ cho 352.659 đối tượng người lao động và 15.949 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, với kinh phí hỗ trợ 713.954,415 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị -  xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã vận động trên 300 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội. Qua đó, xây dựng và sửa chữa 291 căn nhà tình nghĩa, 61 căn nhà nghĩa tình đồng đội; 375 căn nhà tình thương; 121 cầu giao thông nông thôn; 247 xe lăn, xe lắc, 334 xe đạp; 39.382 lượt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, 255.426 suất quà cho trẻ em, người cao tuổi, gia đình chính sách và đối tượng khác.

Công tác hỗ trợ việc làm đạt kết quả tốt. Giải quyết việc làm trên địa bàn toàn tỉnh đạt 21.154 người, tỷ lệ 105,77% (trong đó nữ 10.242 người), đạt vượt so với chi tiêu Nghị quyết giao (chỉ tiêu 20.000 lao động/năm). Đến tháng 09/2022, toàn tỉnh có 1.791 người đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, số người trúng tuyển là 1.393 người, trong đó đã xuất cảnh là 1.146 người (566 nữ), chiếm tỷ lệ 57,3% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 2.000 lao động/năm).

Việc huy động các nguồn lực, phân bổ vốn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.720 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ, đạt 94,67% kế hoạch. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; việc phân bổ và điều chỉnh vốn được thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu giải ngân khối lượng hoàn thành. Các ngành và địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công năm 2022; ước đến cuối năm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện, nhất là các công trình, dự án trọng điểm. Trong năm, có 58 dự án/công trình khởi công mới và dự kiến đến cuối năm có 49 dự án/công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Về hoạt động tổ chức sản xuất: Hoạt động của các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) tiếp tục được củng cố; công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ và phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể ngày càng chặt chẽ và có bước cải thiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 177 HTX (trong đó có 140 HTX nông nghiệp, với số thành viên 1.314 người), tổng vốn điều lệ 289,529 tỷ đồng, tổng số thành viên là 47.173; thành lập mới 60 THT, nâng tổng số lên 1.113 THT với 20.926 thành viên.

Vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn thực hiện khá tốt. Toàn tỉnh có 99,9% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; 89,5% số cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký thực hiện thủ tục môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận. Tỉnh có 139 xã có quy hoạch hoặc sử dụng chung quy hoạch đất xây dựng nghĩa trang nhân dân và mai táng người chết theo quy định; 94% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% hộ thực hiện tốt nội dung 3 sạch; 82,5% cơ sở, hộ chăn nuôi thuộc đối tượng phải đăng ký hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thủ tục theo quy định; 80% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Toàn tỉnh đã có 105/142 xã được công nhận đạt tiêu chí số 17 trong xây dựng xã NTM và 20 xã được công nhận đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Phát động đẩy mạnh thi đua “Đồng Khởi mới" trong xây dựng NTM

Để có được kết quả này, lãnh đạo tỉnh quán triệt sâu sắc, nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn của các cấp, các ngành và người dân trong xây dựng NTM thì khó đạt được, đuổi kịp các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Vì vậy, để có thể đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM trong năm 2022 và giai đoạn 2020-2025 cần tăng cường sự phối hợp giữa Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, huyện và các sở, ngành tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, TC xây dựng NTM theo lộ trình kế hoạch đề ra. Phát huy tối đa vai trò các ngành phụ trách trực tiếp các TC và thành viên ban chỉ đạo các cấp, đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, được phân công phụ trách huyện, xã, ấp trong việc góp phần thúc đẩy nhanh thực hiện mục tiêu và các tiêu chí NTM. Các địa phương nhất là các huyện, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo mục tiêu, nghị quyết cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các TC.

Theo đề nghị của các huyện, tỉnh cần có ưu tiên trong phân bổ nguồn lực đầu tư cho các huyện, xã có nỗ lực trong thực hiện các TC NTM, có biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời bằng vật chất để cổ vũ phong trào. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tỉnh cần có chương trình kiểm tra việc củng cố các tiêu chí NTM và kiên quyết rút Bằng công nhận ở những xã để xuống cấp các tiêu chí NTM.

Đặc biệt, các cấp ủy tập trung lãnh đạo  tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu chủ đề tư tưởng: Đồng thuận- Sáng tạo- Phát triển; và phát động đẩy mạnh thi đua “Đồng Khởi mới" trong xây dựng NTM, đồng bộ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", khơi dậy mạnh mẽ “Ngày chủ nhật NTM" thực sự là ngày hội của toàn dân tham gia xây dựng NTM. Chú trọng đề cao vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới" một cách toàn diện, sâu rộng trong tất các lĩnh vực đời sống xã hội nhất là xây dựng NTM. Các huyện và các xã nên chăng tổ chức việc ký kết thi đua đạt và vượt mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2022, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2020–2025; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt các TC xã NTM đuổi kịp mức bình quân của khu vực và cả nước.

Tuấn Minh