Cần học làm cha mẹ
 
Việc nhiều cha mẹ thường xuyên khoe con trên mạng xã hội, đặc biệt các loại chứng nhận, bằng khen về thành tích học tập vô tình làm lộ thông tin cá nhân của các em. Trong các thông tin này có đầy đủ họ tên, lớp, tuổi, hiệu trưởng trường… nên đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa bố mẹ, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Triển khai Hội nghị tập huấn tháng hành động vì trẻ em năm 2023, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nguy cơ với trẻ em bị xâm hại trên môi trường ngày càng phức tạp, khó lường.

Ông Nam cho rằng, mạng xã hội có 2 mặt, cần khai thác mặt tích cực, như giải trí lành mạnh, kiến thức về bảo vệ trẻ em, và có biện pháp hạn chế tối đa mặt tiêu cực tới trẻ khi sử dụng mạng xã hội. 

Ông Đặng Hoài Nam. 

 “Chúng ta phải hiểu không thể cấm trẻ sử dụng internet, hay mạng xã hội vì bố mẹ dùng hàng ngày thì không thể cấm con được, nên sẽ hiệu quả hơn khi cha mẹ có kiến thức để khai thác hiệu quả mạng xã hội”, ông Nam nói.

Vừa qua Bộ Công an – LĐ-TB&XH– TT&TT đã hợp tác hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm phát hiện, phòng ngừa, xử lý, gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung, thông tin độc hại với trẻ em.

Thế nhưng, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong bảo vệ trẻ trên môi trường mạng rất quan trọng.

Ông Nam dẫn chứng, có các vụ việc lừa đảo, đối tượng dựa trên thông tin của trẻ, gọi điện cho cha mẹ chuyển tiền viện phí do con phải nhập viện. Nhiều người hỏi thông tin về trẻ các đối tượng lừa đảo lấy từ đâu. Nhiều người đổ lỗ cho cơ quan, đơn vị để lộ thông tin của trẻ, nhưng không nghĩ một số hoạt động của cha mẹ trên mạng xã hội đã vô tình làm lộ thông tin của con.

Nhiều cha mẹ chụp bằng khen, giấy chứng nhận về thành tích học tập của con với đầy đủ thông tin của trẻ, nơi học lên mạng xã hội; hoặc đưa ảnh các hoạt động gia đình lên mạng. Thông tin của trẻ lộ từ đấy mà ra.

Ông Nam thông tin thêm, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với bộ ngành liên quan rà soát quy định pháp luật, các quy định liên quan, thanh kiểm tra với các công ty đa quốc gia cung cấp mạng xã hội. Cùng đó là chế tài mạnh để xử lý nếu có vi phạm.

Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng 7, Cục  An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, triển khai Quyết định 830/QĐ-TTg của Thủ tướng, các bộ Công an, LĐ-TB&XH, TT&TT đã ký quy chế phối hợp trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 

Bộ Công an cũng thiết lập mạng lưới thường trực trên cả nước, với hơn 850 đầu mối thường trực từ cấp bộ tới công an cấp quận huyện tiến hành điều tra để tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan tới xâm hại trẻ em trên cả nước.

Kiên quyết xử lý thông tin xấu độc trên mạng

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, năm 2022, bộ đã rà soát, ngăn chặn 18 nhóm trên mạng xã hội có nội dung xâm hại trẻ em. Các nhóm này có hơn 9,7 triệu thành viên, trong đó có 30% số thành viên tham gia các nhóm này là trẻ em, hơn 40% là thanh thiếu niên…

Hội nghị tập Huấn tháng hành động vì trẻ em. 

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Dương cho biết, ngành thông tin - truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube. Bộ cũng yêu cầu những doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube tuân thủ pháp luật Việt Nam, có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em.

Mạng xã hội Youtube công bố sẽ có một số thay đổi chính sách nhằm bảo vệ trẻ em, trong đó có yêu cầu tất cả nhà sáng tạo nội dung phải đánh dấu nội dung video dành cho trẻ em hay không; không phát tán quảng cáo được cá nhân hóa đối với nội dung dành cho trẻ em. 

Số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook, và hơn 49,8 triệu triệu tài khoản tiktok. Trong đó có 87% số tài khoản trên sử dụng internet hàng ngày, người dùng ngày càng trẻ hoá.

Khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy, tại trên 30 quốc gia được khảo sát, có 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng, hơn 750 nghìn cá nhân thực hiện tìm kiếm trên internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ kết bạn với người lạ của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai; trẻ em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên mạng xã hội nhiều hơn trẻ em trai; tỷ lệ trẻ em trai trải nghiệm các rủi ro trên mang cao hơn trẻ em gái, đặc biệt với rủi ro “truy cập đường link bạn bè hoặc người khác gửi”, “giả làm người khác trên mạng” và “gửi thông tin cá nhân cho người khác”…

Bộ TT&TT đã lập đoàn kiểm tra tiktok về nội dung liên quan tới bảo vệ trẻ em, đoàn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành có trách nhiệm về công tác bảo vệ trẻ em. Đoàn dự kiến thực hiện kiểm tra tiktok tại Việt Nam từ ngày 22-29/5.

Nguyễn Hồng Liên, Lê Diệu Thúy