Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 74 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, lãng phí

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, trong năm nay, các bộ, ngành, địa phương phải làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí và tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo kết quả giám sát số 330 ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát Quốc hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: QH

Từ năm 2023 - 2025, các tỉnh, thành có diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì phối hợp với các bộ ngành và địa phương có liên quan làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và tồn tại, hạn chế khác.

Trong năm nay, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Y tế cùng 22 địa phương (trong đó có TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu...) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.

Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ.

Các địa phương: TP Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Ninh Bình, Quảng Ngãi phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí.

Ngoài ra, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang… và nhiều địa phương phải phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…

Sớm thu hồi, xử lý tài sản thất thoát, lãng phí

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ năm 2023, triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Nội vụ được giao chủ trì tham mưu giúp Chính phủ tổ chức phong trào thi đua; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. 

Bộ Tài chính chủ trì tham mưu giúp Chính phủ đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm.

Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Trong đó, tổ chức thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra thường xuyên các nội dung liên quan theo đề nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội trong năm 2023-2024.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra để sớm thu hồi, xử lý tài sản thất thoát, lãng phí và kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả, cũng như đưa các tài sản, nguồn vốn sớm vào khai thác, sử dụng.