"Nam Tào" chia sẻ, anh lăn xả với Bố ơi, mình đi đâu thế? sau khi được lệnh của bà xã. Nếu vợ lắc đầu, dù có thích đến mấy, bố con anh cũng nhanh chóng lên giường đi ngủ.


- Cởi mở với khán giả về công việc, các vai diễn song hiếm khi anh nói về chuyện riêng tư. Vì sao vậy?

- Bởi vì nó là chuyện riêng tư nên nếu bỏ ra thì không còn là chuyện riêng tư nữa (cười). Nghiêm túc mà nói, tôi không thích chia sẻ các thông tin về gia đình. Với tôi, gia đình, tình cảm cá nhân là những điều thiêng liêng mà không dễ gì chia sẻ. Khán giả biết đến tôi thông qua những tác phẩm, chương trình, kịch mục mà tôi làm, chứ không biết đến tôi vì chuyện gia đình.

Tôi từng trả lời rất thẳng thắn rằng tôi không có nhu cầu làm thỏa mãn toàn bộ sự tò mò của mọi người. Và tôi tin, khán giả cũng không nói một câu kiểu: "Ôi giời, Xuân Bắc mà không nói chuyện gia đình cho tôi nghe thì tôi cũng không xem tác phẩm của Xuân Bắc nữa"(cười).

- Là người kín tiếng về gia đình, lý do gì khiến anh quyết định cùng con trai tham gia show truyền hình thực tế Bố ơi, mình đi đâu thế?

- Việc tôi cùng con tham gia một chương trình truyền hình có phải đang đi ngược lại nguyên tắc không chia sẻ chuyện gia đình của chính mình không? Câu trả lời là không. Vì tôi với Bi mới chỉ là một phần của gia đình. Gia đình hoàn chỉnh là phải có đủ cả vợ chồng tôi và hai con trai.

Về lý do chính khiến tôi cùng con trai tham gia chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? thì tôi nghĩ bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn con có một tuổi thơ đầy ấn tượng, đẹp đẽ. Và tất cả những thứ đẹp đẽ đó sẽ là hành trang tuyệt vời để con bước vào đời.

Với chương trình này, tôi thấy đây không phải là chuyện riêng tư nữa. Đó là câu chuyện của người cha với con, là những kỷ niệm của đứa trẻ, những kỷ niệm mà đôi khi sẽ trở thành một ký ức không thể nào quên. Việc tham gia chương trình với tôi là rất đáng, rất nên. Vất vả, gian nan, xa rời công nghệ, thông tin, bố thì xa vợ, con thì xa mẹ, bức bối lắm chứ… nhưng tôi vẫn quyết định tham gia.

 {keywords}

Xuân Bắc được khán giả cả nước yêu mến trong vai trò diễn viên hài, MC... Mới đây, anh thu hút sự chú ý của người hâm mộ khi cùng con trai tham gia chương trình truyền hình thực tế - Bố ơi, mình đi đâu thế? - phát sóng 12h thứ 7 hàng tuần trên VTV3.

- Bà xã anh phản ứng như thế nào khi hai bố con tham gia chương trình?

- Tôi vừa nói là "quyết định tham gia", nghe oai thế thôi, chứ một trong những lý do khiến tôi lăn xả vào chương trình chính là sự khích lệ của vợ. Cô ấy cùng quan điểm với tôi, là hãy tạo ra kỷ niệm đẹp, hãy giúp con trưởng thành thông qua những trải nghiệm từ các chuyến đi trong Bố ơi mình đi đâu thế.

Vợ "bật đèn xanh" là tôi lên đường, chứ nói thật, dù tôi có thích chương trình đến mấy mà bà xã đứng, chỉ tay, lắc đầu thì thôi, hai bố con tôi cũng nhanh chóng… lên giường đi ngủ.

- Riêng với cậu ấm, anh thuyết phục cháu như thế nào để cậu bé đồng ý đối đầu với những thử thách, nhiệm vụ từ chương trình truyền hình thực tế?

- Tôi không phải thuyết phục bởi bản thân cuộc sống tôi tạo ra cho các con tôi luôn là thử thách rồi. Tôi nghĩ, trẻ em không được va chạm, thử thách, trẻ em không được đối đấu với khó khăn để giải quyết, thì ở khía cạnh nào đó, đứa trẻ vẫn còn khuyết thiếu.

Tôi dạy các con từ những gì tôi lĩnh hội từ bố, mẹ. Tuổi thơ của tôi có đầy đủ những gì cần thiết nhất của trẻ em nông thôn và thành thị. Tôi không lạ gì bắt cua, bắt tép, tát cá, thả diều, chơi khăng, chơi bi, hái trộm hoa quả... nhưng cũng quen chơi điện tử, karaoke... Hồi nhỏ, tôi từng mang máy phá sóng đi phá chương trình hồi World Cup Mexico 86, cả làng kêu ầm ĩ.

Trong cuộc sống, tôi luôn tạo cho các con tôi những cơ hội để chúng được trải nghiệm. Ví dụ ra biển, phải đi bắt còng, dã tràng, đào hố chứ không thể cứ đứng đấy. Trời nóng, con vẫn có thể ra đường chứ cũng không thể ru rú trong nhà phòng điều hòa.

Bé Bi khi tham gia chương trình này đầy hào hứng, không nề hà bất cứ việc gì. Tôi từng hỏi bé Bi: “Nếu cho con ở với bố trong căn nhà giữa ruộng ngô này, con ở được bao lâu?”, “Nửa năm”. “Thế nửa năm là bao nhiêu lâu?”, “Là hơn 100 ngày”.

Nhiệm vụ bắt lợn là thử thách ghê gớm

- Là một nghệ sĩ rất đắt show, bận rộn với nhiều vai trò diễn viên hài, MC, anh sắp xếp công việc thế nào trong quá trình ghi hình?

- Tôi là người khá bận rộn. Nói như giọng của NSND Lê Hùng, những người bận rộn như vậy là trời thương mới cho bận rộn. Nhưng nếu bận rộn quá thì trời hành. Bận rộn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt thì là trời đày. Tôi thì cả trời thương, trời hành và trời đày.

Nhưng nói vậy thôi, tôi rất rõ ràng trong sắp xếp thời gian. Khi cần cho công việc, tôi sẽ dành cho công việc, khi cần cho gia đình thì không còn chỗ cho công việc. Và khi cần dành thời gian cho con, với tôi đó là điều quan trọng hơn cả.

Tôi nghĩ thế này: Tôi bố trí thời gian để làm những chương trình cho tất cả mọi người, những chương trình cho trẻ em cả nước xem, vậy thì sao lại không bố trí được thời gian cho chính con mình? Chính vì vậy, dù thời gian ghi hình của chương trình khá dài, việc sắp xếp thời gian để hai bố con cùng tham gia, trải nghiệm là điều bình thường, không có gì là ghê gớm.

- Những thử thách của Bố ơi, mình đi đâu thế? được đánh giá không dễ dàng đối với các ông bố. Là người trong cuộc, anh nói thế nào về nhận xét trên?

- Trong Bố ơi, mình đi đâu thế?, thử thách không dành cho riêng bố, con mà là dành cho bố và con. Hai bố con phải là cặp bài trùng để cùng nhau giải quyết khó khăn. Đối với những thử thách mà các cặp bố con, trong đó có chúng tôi, gặp phải trong chương trình, tôi luôn muốn nó đó được giải quyết bởi các cháu hơn là các ông bố.

Tôi bật mí một chút về nhiệm vụ mà tôi nghĩ là thử thách ghê gớm với các con và các ông bố, đó nhận được mật lệnh: Bố con nhà Minh Đỗ và nhà Xuân Bắc đi bắt con lợn trong chuồng. Tôi tin là Minh Đỗ chưa bao giờ bắt lợn. Đương nhiên, hai em bé cũng thế. Các con thì đầy lo lắng, sợ lợn cắn, húc. Hai ông thì vật lộn và cuối cùng cũng bắt xong được con lợn, cũng trói dọc trói ngang, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Có một điều rất hay của chương trình là những thử thách được đưa ra, cho dù có khó cũng để các bố con vượt qua, chứ không có tính chất nguy hiểm. Chứ nếu nguy hiểm thì tôi lo lắng lắm.

- Vốn là một MC đắt show và là hình mẫu nghệ sĩ lý tưởng đối với không ít fan, trong khi việc tham gia truyền hình thực tế dễ bộc lộ nhiều nét tính cách khán giả chưa từng biết tới về Xuân Bắc, đây rất có thể sẽ là một con dao hai lưỡi. Anh thấy sao về điều này?

- Đầu tiên tôi muốn nói là từ lâu rồi tôi không dùng dao (cười). Ăn gì thì vợ thường thái trước rồi. Bản chất của người nghệ sĩ hay bất kỳ ai luôn được bộc lộ thông qua hành động. Thế nên một tác phẩm sẽ được nghệ sĩ sáng tạo khác nhau tùy vào nhân sinh quan, thế giới quan, nhận thức xã hội. Cá nhân tôi rất muốn khán giả hiểu rõ về người nghệ sĩ nói chung, không ai là hoàn hảo cả.

Tôi có thể chắc chắn, trong chương trình Bố ơi mình đi đâu thế, sẽ có những hành động của bố con tôi, hay các giải quyết vấn đề của tôi, sẽ khiến khán giả tranh cãi, có người ủng hộ, có người phản đối. Nhưng điều quan trọng là khán giả sẽ thấy được tôi vẫn luôn là Xuân Bắc. Thế nên tôi đâu có sợ dao hai lưỡi. Đinh ba tôi còn chẳng sợ nữa là dao hai lưỡi.

Quan điểm của tôi là hãy nhìn mặt tốt và mạnh dạn nhìn cả mặt xấu, bộc lộ điều tốt đẹp và cả chưa tốt nữa để hoàn thiện hơn. Và khán giả, nếu thấy điều gì chưa hay của Xuân Bắc thì hãy hiểu, tôi cũng như một người bình thường, có hỷ nộ ái ố, cũng có vấp ngã. Nhưng một điều chắc chắn, tôi là người cha tốt nhất của con tôi nhưng thế không có nghĩa là con tôi có người cha nhì, ba khác.

Ở nhà tôi vẫn hát ru cho con ngủ

- Nhiều người nói, ở với Xuân Bắc thì cười cả ngày, thực hư thế nào?

- Về lý thuyết là như vậy nhưng cũng có những lúc không cười nổi. Ví dụ như trong khuôn khổ chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế?, các ông bố luôn phải đối mặt với thử thách. Với tôi, là một nghệ sĩ, thử thách lớn nhất là vượt qua nghệ sĩ Xuân Bắc, để trở thành bố của bé Bi theo đúng nghĩa. Và đó chính là những lúc không cười được.

- Trong gia đình, anh và bà xã phân vai như thế nào để gần gũi, dạy dỗ các con?

- Tôi thì ở ngoài nói nhiều, nhưng về nhà, muốn nói gì tôi toàn giơ tay xin phát biểu ý kiến. Có câu chuyện thế này ở nhà tôi:

Bố (Xuân Bắc): Bi, con có biết nhà mình ai là cao thủ nhất không?

Minh (anh của Bi): Bố chứ còn ai nữa.

Bi: Đúng rồi, bố… nhưng mà không phải bố.

Bố: Tại sao bố mà không lại phải bố

Bi: Vì thỉnh thoảng con vẫn thấy mẹ mắng bố. Mẹ bảo bố vẫn "Vâng ạ". Thế nên… bố không phải cao thủ nhất.

Câu chuyện vui thế thôi, vậy thì phân chia trong gia đình thế nào? Thực ra đâu cần phải phân chia. Con có phải của riêng ai đâu, có phải cho xong trách nhiệm đâu. Chẳng lẽ khi đã quy định bố rửa khi con đi vệ sinh nhưng bố bận, mẹ rảnh thì mẹ cũng không làm? Mẹ lo đánh răng rửa mặt cho con buổi sáng nhưng đêm qua mẹ làm khuya, bố lại không thể dậy đánh răng, rửa mặt cho con sao?

Ở nhà, tôi vẫn hát ru cho con ngủ, vợ tôi cười khanh khách. Tôi mới bảo “Em đi mà ru đi”, cô ấy đáp: “Em không ru được, em ru con lại cười khanh khách” (cười). Đấy, ở nhà tôi không có sự phân chia. Chỉ có một sự thi đua của hai vợ chồng nhưng cũng là với chính mình, đó là làm sao để mỗi ngày yêu con nhiều hơn.

 {keywords}

Xuân Bắc và bà xã.

- Hai cậu ấm nhà anh sàn sàn tuổi nhau, hẳn có những chành chọe, tị nanh, khi đó, ông bố Xuân Bắc sẽ giải quyết vấn đề thế nào?

- Việc chành chọe thì không thể tránh khỏi, còn giải quyết thế nào, thì không phải lúc nào cũng giải quyết được. Tôi lại kể câu chuyện về hai anh em Bi và Minh.

Bố: Minh, anh em phải chia sẻ với nhau. Bi, anh em phải…

Bi: Chia sẻ với nhau.

Bố: Vậy nếu con có đồ chơi, anh Minh muốn mượn, lại còn "ạ ạ ạ" thì con có cho mượn không?

Bi: Có ạ.

Bố: Tốt, về lý thuyết, thế là quá chuẩn. Bây giờ bố tặng Bi một con khủng long tam sừng.

Minh (thấy đẹp quá): Bi cho anh mượn đi?

Bi: Không được.

Minh: Cho anh mượn đi, anh "ạ ạ ạ".

Bi vì đã trót nói với bố nên đành cho mượn. Bi vẫn cầm con khủng long trên tay, đưa ra trước mặt anh Minh và "ạ ạ ạ, cho em xin lại".

Đó, không phải tình huống nào cũng giải quyết được. Khái niệm đúng của người lớn không chắc là đúng với trẻ con. Tôi chỉ luôn khuyên các con tôi, anh em phải yêu thương nhau, có sức khỏe thì bảo vệ nhau và bảo vệ những người yếu hơn mình. Nghe thì hơi sách vở nhưng đó là cách tôi được dạy dỗ và cũng là quan điểm sống của tôi.

Theo Zing