Video quảng cáo này xuất phát từ kênh YouTube "Kênh game AZ" với khoảng 5 nghìn người đăng kí và 3 video. Theo đó, những video này đều chung nội dung "hướng dẫn" người xem có lượng UC gấp 10 lần bình thường khi nạp tiền vào PUBG Mobile bằng thẻ điện thoại.
Một số video tương tự như "Nạp thẻ PUBG giá rẻ- X10 giá trị" hay "Nạp UC PUBG - Khuyến mãi lên đến 100%" cũng được trả tiền để YouTube quảng cáo.
Khi vào website "naptienpubg.com" trong video hướng dẫn, người dùng sẽ bắt gặp những lời rao nạp tiền thành công với tỷ lệ gấp 10 lần hiện lên, các bình luận than vãn tiếc nuối vì không nạp nhiều hơn. Đây là những thông tin giả mạo được dựng lên để kích thích lòng tham của người chơi.
Trang web cung cấp 3 lựa chọn thẻ Viettel, Mobifone và VinaPhone để nạp. Sau khi nhấp vào đường dẫn, trang tiếp tục chuyển đến khu vực điền các thông tin như GameID, mệnh giá, mã và serial thẻ điện thoại.
"Mình nạp vào trang đó 100.000 đồng thẻ Vinaphone, tưởng nhận được 2.100 UC theo quảng cáo, không ngờ bị lừa. Nên mình quay lại clip để mọi người đề phòng", Hoàng Phúc, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, người làm video tố cáo website "naptienpubg.com" lừa đảo, chia sẻ.
"Mình nạp 50.000 đồng vào trang naptienpubg này, cũng không nhận được gì. Các thông tin đã điền đúng", bạn Thành Công, ngụ ở quận Bình Thạnh kể.
Từ năm 2012, khi hình thức nạp tiền cho game online bằng thẻ cào điện thoại trở nên phổ biến, chiêu lừa như trên cũng xuất hiện và nở rộ ở Việt Nam. Việc lập web giả mạo (phishing) là thủ đoạn "cổ điển" trên thế giới nhưng đến nay vẫn còn tồn tại trên Internet.
Tuy nhiên, gần đây chúng trở nên nguy hiểm hơn khi được quảng cáo trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, giúp tiếp cận đến nhiều người hơn. Bản thân những video lừa đảo này cũng vi phạm chính sách của YouTube, nhưng đôi khi hệ thống kiểm duyệt của nền tảng này để lọt quảng cáo xấu.
Theo Zing