Tính đến hết tháng 6, bằng nhiều nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức cùng ý chí vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Gio Linh (Quảng Trị) giảm còn 5,3%, tương đương với giảm 1,3% so với cuối năm 2023. Từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo sinh kế, giải quyết việc làm... đang phát huy hiệu quả.
Tính đến 30/6, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Gio Linh đạt trên 651 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3% với 247 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 17 xã, 97 thôn. Người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách... tại đây được tạo điều kiện để vay vốn việc làm, nhà ở, học tập, sinh kế...
Năm 2024, chị Nguyễn Thị Biên ở thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để con trai được đi làm việc theo hợp đồng ở Hàn Quốc. Gia đình chị Biên thuộc đối tượng hộ cận nghèo. Từ ngày sang lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Hàn Quốc, con trai chị chăm chỉ, dành dụm tiền gửi về trả dần khoản vay và phụ giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Tại xã Gio Hải, cũng như gia đình chị Biên, hiện có 27 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) thuộc đối tượng chính sách đang vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguồn kiều hối gửi về từ những lao động theo diện hợp đồng có thời hạn này khá lớn, giúp gia đình xây dựng nhà cửa, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin... Không chỉ vậy, nguồn lực này còn đóng góp vào công cuộc giảm nghèo của địa phương, thông qua việc đầu tư vào các dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo thêm việc làm cho các lao động tại quê nhà, nâng cao đời sống.
Tương tự, tại thị trấn Cửa Việt, hiện có 17 người thuộc đối tượng chính sách được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều người xác định, đây không chỉ là cơ hội được nâng cao thu nhập, giúp gia đình vượt qua khó khăn, thoát nghèo trước mắt, mà còn mở ra nhiều ý tưởng chuẩn bị cho tương lai nhờ có việc làm bền vững sau khi kết thúc hợp đồng, trở về quê hương.
Tại huyện Gio Linh, giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi luôn được đặc biệt chú trọng, trong đó nổi bật là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 138 lượt người vay với tổng nguồn vốn gần 11,54 tỉ đồng; hiện còn 56 lao động đang vay vốn với dư nợ 4,7 tỉ đồng. Các đối tượng được vay gồm thành viên gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng...
Không chỉ được vay vốn ưu đãi, huyện Gio Linh nói riêng và các địa phương tại tỉnh Quảng Trị nói chung cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết… để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác, người lao động được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...); tiền đi lại cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo... Họ còn được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe. Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề...
Từ đây, nhiều người lao động đã mở được cánh cửa cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2024-2026, tỉnh Quảng Trị áp dụng chính sách mới ban hành theo Nghị quyết số 119/2023/NQ-HÐND hỗ trợ thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng vũ trang xuất ngũ trên địa bàn tỉnh tham gia làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và khi hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong 3 năm 2024-2026, Quảng Trị sẽ hỗ trợ 750 người thuộc các đối tượng nêu trên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 93 lao động là lực lượng vũ trang xuất ngũ được vay vốn làm chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hết hạn trở về nước, tìm được việc làm tại tỉnh.
Các đối tượng gồm thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền một lần theo từng thị trường lao động như Nhật Bản: 10 triệu đồng/người; Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc): 7 triệu đồng/người; lao động ở thị trường khác: 5 triệu đồng/người. Người lao động thuộc hộ cận nghèo khi tham gia làm việc nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ 70% theo các mức trên.