Thông tin từ Bộ NN-PTNT, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 thu về 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu, chiếm 54,5% thị phần.

Hiện, Trung Quốc đã đồng ý cho 9 loại trái của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt; thời gian tới sẽ tiếp tục mở cửa nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím...

Trên thực tế, phần lớn trái cây, rau quả vẫn được mua bán bằng con đường tiểu ngạch.

Thậm chí, số liệu khác được lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cung cấp cho thấy tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn Lạng Sơn rất thấp. Theo hải quan Lạng Sơn, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 3% nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

{keywords}
Dù là xuất tiểu ngạch, các loại trái cây hay nông sản cũng phải đảm bảo tất cả các quy định của Trung Quốc (ảnh: Phạm Hải)

Thời gian này, tình trạng ùn ứ nông sản tại khu vực các cửa khẩu vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều xe chở thanh long, dưa hấu, xoài,... xuất khẩu sang Trung Quốc phải quay đầu về tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá rất rẻ để tránh thiệt hại do thối hỏng.

Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều thông tin cho rằng trái cây nói riêng hay nông sản nói chung xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch là hàng kém chất lượng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, xuất tiểu ngạch hay chính ngạch chỉ là hình thức mua bán chứ không liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Nam, Trung Quốc siết chặt vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả hàng xuất tiểu ngạch lẫn chính ngạch họ đều phải kiểm tra. Trái cây, rau quả hay nông sản muốn vào Trung Quốc đều phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, không có dịch hại, truy xuất được nguồn gốc. Đạt chất lượng mới cho thông quan, không đạt trả về.

“Thế nên, hiểu nông sản xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc là hàng kém chất lượng là không đúng”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Ông cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp cũng phải hiểu rõ những vấn đề này để làm hàng đạt chuẩn, như vậy mới có thể thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thông tin rõ hơn về điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng cả tiểu ngạch và chính ngạch (đường bộ và đường biển), lão đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm ngư nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho hay, không chỉ trái cây, các loại nông thuỷ sản muốn xuất vào thị trường này cũng phải đảm bảo các điều kiện tương tự.

Chỉ những nơi được cấp mã số vùng trồng, những cơ sở đóng gói được công nhận mới có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay chúng ta có gần 2.000 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó riêng quả thanh long được cấp 247 mã số.

Do đó, hàng xuất chính ngạch hay tiểu ngạch đều phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tất cả các điều kiện trên, vị lãnh đạo này cho hay.

Trước đó, lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cũng lý giải, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có truyền thống từ lâu. Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng).

Do vậy, các doanh nghiệp phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà thực hiện nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó, họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sang Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Cần 5.000 container lạnh để xuất khẩu thanh long bằng đường biển

Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển chiều 12/1, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết, do xuất khẩu qua đường bộ gặp khó khăn, nhiều địa phương và DN đề nghị tìm hướng tháo gỡ. 

Qua rà soát, trong quý I/2022, ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có 226.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu thanh long bằng đường biển rất lớn.

Thống kê sơ bộ, với 101.216 tấn thanh long, các DN cần 5.087 container lạnh để xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc.

T.An 

Trung Quốc mở dần cửa khẩu, sớm thoát ùn tắc để về ăn Tết

Trung Quốc mở dần cửa khẩu, sớm thoát ùn tắc để về ăn Tết

Kể từ ngày 5/1/2022, chính quyền tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đã lần lượt mở lại nhiều cặp cửa khẩu/lối mở biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam.